Nhiều giải pháp góp phần cải thiện PCI

Theo Châu Sơn/Báo Long An

Long An đang tổ chức các giải pháp khắc phục, cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), quyết tâm đưa tỉnh nhà nằm trong nhóm 10 của cả nước.

Tỉnh Long An đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện, nâng cao PCI. Ảnh: Châu Sơn
Tỉnh Long An đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện, nâng cao PCI. Ảnh: Châu Sơn

Giảm sâu nhất trong vòng 5 năm qua

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI năm 2021 của tỉnh Long An đạt 66,58 điểm, xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước, xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. So với năm 2020, PCI của tỉnh giảm 3,79 điểm và 13 bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước. Đây là mức giảm sâu nhất trong suốt 5 năm qua.

Cụ thể, năm 2017 hạng 4, năm 2018 hạng 3, năm 2019 hạng 8, năm 2020 hạng 3 và hầu hết các chỉ số thành phần PCI năm 2021 đều giảm, có 8/10 chỉ số thành phần giảm điểm.

Những tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp (DN) từ các vấn đề như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư hoặc thậm chí là hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện; không ít DN cũng gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc, hoặc DN không thể ra nước ngoài để tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch.

Trong thời gian cao điểm dịch bùng phát tại tỉnh, hầu hết các DN phải dừng hoạt động trong khoảng thời gian khá dài để phòng, chống dịch; chỉ có một số ít DN được hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” để duy trì chuỗi cung ứng trong điều kiện hết sức khó khăn: Việc di chuyển, nhu cầu lao động, phát sinh chi phí phòng ngừa dịch COVID-19 để vận hành DN,…

Một số chính sách được triển khai ban hành nhưng DN khó tiếp cận, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng chưa giải quyết đáng kể những khó khăn của DN; trong vài trường hợp việc triển khai còn chậm do chưa có hướng dẫn, hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng. Đồng thời, nếu phân theo khu vực kinh tế thì DN khối tư nhân quy mô từ vừa đến lớn có xu hướng đánh giá việc tiếp cận chính sách thuận lợi hơn so với các đơn vị có quy mô nhỏ và vừa,… Tất cả những điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các chỉ số thành phần PCI, là nguyên nhân chủ yếu gây sụt giảm PCI năm 2021 của tỉnh Long An.

Cải thiện, nâng cao PCI

Theo Chủ tịch UBND TP. Tân An - Nguyễn Minh Hùng, địa phương điều chỉnh, khắc phục ngay từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần; có kế hoạch hành động cụ thể để gia tăng mức độ hài lòng, nâng cao PCI góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung. Trong đó, TP. Tân An tăng cường thông tin, tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người dân hiểu rõ về PCI; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về nghiệp vụ hành chính, kỹ năng, giao tiếp,... để gia tăng tính chuyên môn hóa, chủ động, tích cực trong giải quyết công việc với người dân, DN.

Đồng thời, TP. Tân An tập trung phân tích, xác định nguyên nhân hạn chế; phân công trực tiếp từng ngành phụ trách các chỉ tiêu đạt thấp; có giải pháp nâng chất, tạo ra sự thay đổi, nâng cao mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền với cộng đồng DN, người dân.

Bên cạnh đó, TP. Tân An tập trung công tác cải cách hành chính; nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ; kiện toàn, bổ sung nhân sự hoạt động, chủ động bố trí, sắp xếp theo chuyên môn, nghề nghiệp kết hợp mạnh dạn xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Ngoài ra, TP. Tân An còn thực hiện công bố công khai đầy đủ thông tin quy hoạch bằng nhiều hình thức; tích cực hướng dẫn DN nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, có kế hoạch tiếp cận việc sử dụng đất; vận hành và khai thác tốt cơ sở dữ liệu đất đai, thông tin về giá đất, công khai, minh bạch giá đất để các nhà đầu tư có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công thành phố, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ phải trả lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần. Với tinh thần trách nhiệm, thời gian tới, TP. Tân An tiếp tục chủ động triển khai, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, công việc theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh trong giải quyết các vướng mắc phát sinh, góp phần cải thiện, nâng cao PCI năm 2022.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi, huyện xác định việc tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao PCI là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Năm 2022, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo kế hoạch về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao PCI. Trong đó, địa phương tăng cường tuyên truyền, quán triệt nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của PCI.

UBND huyện tham mưu Huyện ủy đưa nhiệm vụ nâng cao PCI vào nội dung Nghị quyết để cùng lãnh đạo, kiểm tra thực hiện. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan từ các phòng, ban cấp huyện đến UBND các xã, thị trấn trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện nâng cao PCI và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị. Quan tâm đến việc giáo dục ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với DN và người dân; kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà DN và người dân; thiết lập đường dây nóng để người dân và DN kịp thời, chủ động phản ánh những bức xúc của mình cho người đứng đầu.

Huyện tiếp tục thành lập Đoàn kiểm tra PCI để tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao PCI của tỉnh gắn với kiểm tra cải cách hành chính công vụ tại các phòng, ban chuyên môn huyện, các xã, thị trấn, qua đó kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót để khắc phục, góp phần nâng cao PCI.

Để cải thiện PCI năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn đề xuất, tập trung bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT - XH, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Các sở, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý khẩn trương chỉ đạo, nghiên cứu, phân tích chi tiết từng chỉ số thành phần trên cơ sở kết quả PCI năm 2021 do VCCI công bố, chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động của cơ quan, đơn vị với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện 10 chỉ số thành phần trong PCI đối với phát triển KT - XH, DN. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, DN. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng bền vững.

Từng đơn vị cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể trong công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ DN trên địa bàn, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Chủ động rà soát, xác định giá đất cụ thể, sát với thị trường, góp phần thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng; tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ tái định cư để các dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về trình tự giải quyết các tranh chấp về đất đai. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thực hiện kết hợp thanh tra liên ngành, xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra đối với DN hàng năm cụ thể để tránh chồng chéo. Từng sở, ngành và địa phương cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để cải thiện Chỉ số Tính minh bạch, Chi phí không chính thức gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị,...

Ngoài những giải pháp trên, để thực hiện quyết liệt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng điểm số và vị trí của tỉnh trên bảng xếp hạng PCI năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Long An: Đồng ý cho chủ trương nghiên cứu, xây dựng và triển khai, thực hiện Đề án triển khai Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) nhằm cải thiện vượt bậc các chỉ số thành phần, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, DN của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, kiến nghị UBND tỉnh giao nhiệm vụ các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An trực tiếp chỉ đạo công tác triển khai, kiểm tra đôn đốc đối với ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện để giải quyết, xử lý theo quy định.

Ông Võ Quan Huy Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Cộng đồng DN trên địa bàn cảm thấy phấn khởi khi lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, từ tháng 4/2021 đến nay, Hiệp hội có 7 văn bản kiến nghị, trong đó có rất nhiều vấn đề được tỉnh và các đơn vị liên quan, quan tâm, xem xét tháo gỡ kịp thời cho DN. Lãnh đạo UBND tỉnh còn trực tiếp chủ trì tổ chức các buổi đối thoại để tháo gỡ vướng mắc cho DN, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Đối với kế hoạch đẩy mạnh triển khai, thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao PCI Long An năm 2022, Hiệp hội DN cam kết luôn đồng hành với các chương trình hành động của tỉnh. Thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị nghiên cứu tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, họp mặt DN, nhằm kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần cải thiện, nâng cao PCI.