Nhiều giải pháp ngăn ngừa sai phạm về thẩm định giá
Để ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực thẩm định giá, thời gian qua, Bộ Tài chính đã kịp thời thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về hiện tượng sai phạm, tiêu cực của một số doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá hành nghề đã cố tình vi phạm tiêu chuẩn đạo đức hành nghề, vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, thông đồng với khách hàng làm sai lệch kết quả thẩm định giá, nhất là trong việc thẩm định giá phục vụ cho việc đấu thầu mua sắm, trong đó có mua sắm thiết bị vật tư y tế, giáo dục.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực thẩm định giá thời gian qua được đánh giá xuất phát từ các yếu tố khách quan và chủ quan.
Cụ thể, về nguyên nhân khách quan, hệ thống pháp luật đôi khi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; thông tin thị trường ít công khai và minh bạch; khách hàng cung cấp thông tin về tài sản thẩm định giá chưa trung thực và đầy đủ; việc thực hiện đấu thầu/đấu giá có nhiều quy định còn thiếu tính minh bạch, nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực.
Trong khi đó, về nguyên chủ quan, chủ yếu do việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, nhất là việc móc ngoặc, thông đồng với khách hàng thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá; cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá dịch vụ, cắt giảm quy trình thẩm định giá giảm chi phí thực hiện; không tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá (chủ yếu ở khâu thu thập và phân tích thông tin).
Nhằm kịp thời ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra, Bộ Tài chính đã kịp thời và nhanh chóng thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá, như: Hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao điều kiện đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá, gần đây nhất đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.
Bộ Tài chính đã tổ chức cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên về giá hàng năm, chú trọng củng cố đạo đức hành nghề thẩm định giá; đánh giá và nhận diện rủi ro, cập nhật những lỗi thường gặp trong quá trình thẩm định giá. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, từng bước hỗ trợ cho nghề thẩm định giá có nguồn thông tin tham khảo tin cậy, qua đó giúp nâng cao chất lượng thẩm định giá…
Quản lý chặt chẽ lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính; đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá đối với những doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Năm 2019, Bộ Tài chính đã đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá đối với 29 doanh nghiệp, năm 2020 là 25 doanh nghiệp, năm 2021 là 26 doanh nghiệp. Trong quý I/2022, đình chỉ và thu hồi đối với 8 doanh nghiệp thẩm định giá, cấp lần đầu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 8 doanh nghiệp; cấp lại 41 lần, ban hành 8 Thông báo về việc công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản năm 2022 tại các doanh nghiệp thẩm định giá được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Về dài hạn, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật giá để tiếp tục củng cố, kiện toàn các quy định về quản lý doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá hành nghề nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng thông đồng trong thẩm định giá; Rà soát, hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và khu vực.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá; chú trọng xây dựng nội dung cập nhật kiến thức cho thẩm định viên về giá liên quan đến thu thập, phân tích và xử lý thông tin; các nghiệp vụ chuyên sâu của nghề nghiệp, đặc biệt tiếp tục các nội dung cập nhật nhằm nâng cao đạo đức hành nghề thẩm định giá; ủng cố và hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá làm cơ sở tham chiếu khi thực hiện định giá và thẩm định giá.