Nhiều kết quả tích cực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Năm 2017 công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đạt nhiều kết quả nổi bật cả trong việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, ông Trần Văn Vượng đã có cuộc trả lời phỏng vấn với nhiều nội dung quan trọng, nổi bật trong công tác trong THTK, CLP thời gian qua.
Phóng viên: Thực tế, thời gian qua không ít Bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa tốt việc ban hành Chương trình và báo cáo kết quả THTK, CLP, cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng |
Ông Trần Văn Vượng: Thực hiện Luật THTK,CLP, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Báo cáo số 100/BC-CP ngày 05/4/2018 của Chính phủ về kết quả THTK,CLP năm 2017. Báo cáo đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra vào ngày 09/4/2018 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23, ngày 12/4/2018. Ngay sau phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4261/BCT-TTr ngày 12/4/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ v/v các đơn vị chưa ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2017 và chậm báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2017.
Ngày 27/4/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3933/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của Luật THTK, CLP và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh việc thi hành pháp luật về THTK, CLP.
Ngày 08/5/2018, Bộ Tài chính có Văn bản số 5197/BTC-TTr tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2017 và chưa có Báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2017 để tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu vào Báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2017 của Chính phủ.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách và báo cáo bổ sung của các đơn vị; Bộ Tài chính đã hoàn thiện lại Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ ký Báo cáo số 185/BC-CP về kết quả THTK, CLP năm 2017, trình ra kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tài chính Ngân sách vào ngày 17/5/2018 để thẩm tra Báo cáo số 185/BC-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, các ý kiến tham gia tại phiên họp đánh giá cao chất lượng Báo cáo của Chính phủ về kết quả THTK, CLP năm 2017, có ý kiến cho rằng đây là báo cáo tốt nhất từ trước đến nay về công tác THTK, CLP).
Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể trong công tác THTK,CLP trong năm 2017?
Năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trong cả nước, công tác THTK,CLP đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 Quốc hội đã đề ra.
Theo đó, một số kết quả cụ thể, nổi bật như:
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết; cho ý kiến đối với 09 dự án khác, trong đó có nhiều dự án quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 1.105 văn bản quy phạm pháp luật. Chính quyền địa phương các cấp đã ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tiết kiệm triệt để từ khâu lập, phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; kiểm soát chặt chẽ nợ công. Năm 2017, cả nước đã tiết kiệm được là 51.401 tỷ đồng (trong đó: tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước là 47.945 tỷ đồng, tiết kiệm vốn tại DNNN 3.456 tỷ đồng).
Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Công tác khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tiết kiệm NSNN, được dư luận xã hội, nhân dân đồng tình.
Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 6; đẩy mạnh tinh giản biên chế, xây dựng Chính phủ điện tử; xử lý sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai, minh bạch. Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, góp phần THTK, CLP.
Tuy nhiên, có thể nói vẫn không ít tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực chậm được khắc phục. Một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật THTK,CLP, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về THTK,CLP. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập; ý thức, trách nhiệm THTK,CLP của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa tốt, nên kết quả còn hạn chế.
Vậy, giải pháp nào để khắc phục những tồn tại, bất cập đó, thưa ông?
Để công tác THTK, CLP đi vào nề nếp, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật THTK, CLP; Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016; Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2018 tại Quyết định số 217/QĐ-TTg ngày 13/02/2018 đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực, cụ thể:
Thứ nhất, phấn đấu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của NSNN 12% đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm 100% các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Hoàn thiện hệ thống quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế; đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công để đảm bảo đến năm 2019 đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN-4.
Thứ tư, triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương.
Còn công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được triển khai như thế nào, thưa ông?
Cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất. Không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Không xuất khẩu khoáng sản thô. Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thực hiện giảm mức tổn thất điện cả năm xuống còn 7,2%.
Tiếp tục thực hiện rà soát các quy định hiện hành liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đánh giá hiệu quả hoạt động để trên cơ sở đó quyết định dừng hoạt động hoặc cơ cấu lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đảm bảo theo đúng quy định của Luật NSNN nước và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các DNNN thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa. Thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan; phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, DN kém hiệu quả thuộc ngành Công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, DN khác. Chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý.
Đi liền với đó là quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với số giao năm 2015. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số CBCC,VC mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định…
Xin cảm ơn ông!