Nhiều kiểu đòn bẩy tài chính BOT

Theo Lê Mỹ/diendandoanhnghiep.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến nợ xấu phát sinh, nhất là đối với cho vay các dự án BOT…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến nay, cho vay các dự án BOT giao thông phát sinh chồng chéo nhiều mục đầu tư, tài trợ và dòng vốn chưa thực sự tách bạch.

Tính đến cuối tháng 9/2021, nợ xấu các dự án đầu tư theo PPP giao thông đã lên tới 12.721 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2021, nợ xấu các dự án đầu tư theo PPP giao thông đã lên tới 12.721 tỷ đồng.

“Nặng nợ” với BOT

Trong giai đoạn 2011-2015, cùng với nhu cầu đầu tư đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông của nền kinh tế đang phát triển, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay nhiều dự án BOT lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đây là lĩnh vực cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải kiểm soát chặt chẽ. “Việc cho vay dự án BOT ở giai đoạn trước tập trung lớn nhất ở BIDV và VietinBank. Ngoài ra, Vietcombank và SHB cũng tham gia cho vay các dự án BOT giao thông lớn”, ông Bắc cho biết.

Tính đến 30/9/2021, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP giao thông (tức bao gồm nhiều loại hình đầu tư BOT, BT, BOO) là 102.621 tỷ đồng, nợ xấu 12.721 tỷ đồng, chiếm 12,4%. Cũng theo NHNN, có 55 dự án có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ 73.090 tỷ đồng, khách hàng rất khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, do đó có khả năng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, các ngân hàng rất thận trọng trong cho vay đối với các dự án PPP giao thông mới.

Nợ BOT phát sinh chéo?

Để được tiếp cận vốn ngân hàng, các doanh nghiệp phải có vốn đối ứng. Khó khăn của các phương án tài chính thu từ BOT những năm qua khiến các doanh nghiệp đã phải hướng về thị trường vốn, tăng vốn điều lệ nhằm tăng hạn mức tín dụng, đồng thời hướng về thị trường nợ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII), một trong những ông lớn BOT, sử dụng đòn bẩy tài chính từ cả vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn (chủ yếu với ngân hàng), lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tại Báo cáo tài chính quý IV/2021, CII có và nợ thuê tài chính ngắn hạn với VPBank, HDBank, VietinBank, BIDV và một số công ty hơn nghìn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý trong việc gọi vốn - cấp vốn của ngân hàng và doanh nghiệp, CII có nợ vay ngắn hạn với VietinBank 73 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động, tài sản bảo đảm lại là trái phiếu do VietinBank phát hành trị giá 73 tỷ đồng…

“Với bức tranh như vậy, việc rà soát dư nợ cho vay dự án PPP trực tiếp và qua tài trợ, đầu tư trái phiếu là rất cần thiết để đánh giá đúng thực chất chất lượng vốn, dư nợ lẫn nợ xấu có thể phát sinh từ BOT nói riêng, từ trái phiếu doanh nghiệp nói chung”, một chuyên gia nhận định.