Tổng nợ xấu chưa xử lý tại các tổ chức tín dụng là 412.700 tỷ đồng

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  Ảnh: Doãn Tuấn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tuấn.

Đề xuất kéo dài thời hạn Nghị quyết 42

Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 đối với việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, riêng xử lý nợ xấu nội bảng là 196.900 tỷ đồng (chiếm 51,79%)...

Ngoài ra, xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.500 tỷ đồng (chiếm 21,7% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).

Đáng chú ý, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết có hiệu lực (15/8/2017).

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trước khi có Nghị quyết 42, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng tự trả nợ còn chưa cao. Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.

Chính vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không tiếp tục được ưu tiên áp dụng một số chính sách quy định tại Nghị quyết 42.

Đặc biệt, những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu nếu không được tiếp tục triển khai có thể dẫn đến việc kéo dài quá trình xử lý nợ xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; các tổ chức tín dụng thiếu nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất.

"Từ những lý do trên, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 trong giai đoạn 2022-2024", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Đa dạng hóa các đối tượng tham gia xử lý nợ xấu

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực UBKT đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của NHNN cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42.

"Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua theo Nghị quyết đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế", cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại 1 kỳ họp (tháng 5/2022) nhằm bảo đảm sự kịp thời cũng như tạo cơ sở pháp lý liên tục cho công tác xử lý nợ xấu.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 trong thời hạn 2 năm. Loại ý kiến thứ hai cũng thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng như trên nhưng cần xem xét sửa đổi một số nội dung cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài thí điểm.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai. Ngoài ra, trường hợp được xem xét kéo dài thí điểm và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, trong đó đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách lựa chọn sửa đổi, bổ sung để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong thời gian tới là hết sức cần thiết, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở kế thừa các quy định phát huy được hiệu quả của Nghị quyết số 42, giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu của nền kinh tế và phát triển hơn nữa thị trường mua, bán nợ xấu trong tương lai.

Ông Thanh nêu rõ, bên cạnh những ý kiến trên, Ủy ban Kinh tế cũng nhận được một số đề xuất như: Ban hành chính sách đa dạng hóa các đối tượng tham gia trực tiếp xử lý nợ xấu; nghiên cứu mở rộng đối tượng là các khoản nợ xấu của nền kinh tế; xây dựng Luật riêng điều chỉnh về xử lý nợ xấu...