Nhiều kỳ vọng cho ngành ngân hàng năm 2018
Năm 2017 huy động được nhiều vốn với chi phí ổn định nhờ lãi suất được kiểm soát tốt, lợi nhuận cùng với nguồn thu dịch vụ tăng mạnh, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đã được đẩy lên.
Vậy năm 2018 có thể kỳ vọng điều gì ở ngành ngân hàng?
Tiếp tục tăng cường vốn
Hàng loạt ngân hàng sẽ lên sàn trong năm 2018, mở đầu là HDBank vừa lên sàn hôm 5/1 và tăng trần ngay trong phiên giao dịch đầu tiên tại mức giá hơn 39.000đ/CP. Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nên nhiều ngân hàng đã tận dụng cơ hội để lên sàn nhằm thu hút thêm vốn đầu tư, từ đó có thể gia tăng nội lực tài chính. Sau HDBank sẽ có thêm các ngân hàng như Techcombank, Tpbank, OCB, Bắc Á, Hàng Hải lên sàn.
Không chỉ có cơ hội tăng thêm vốn điều lệ, việc lên sàn sẽ giúp các ngân hàng minh bạch hơn và tạo được thương hiệu tốt hơn, từ đó thu hút tiền gửi từ khách hàng. Dù vậy, việc huy động vốn từ khách hàng trong năm 2018 có thể không nhiều thuận lợi như năm 2017, tuy nhiên kỳ vọng nguồn vốn từ tăng vốn điều lệ và đặc biệt là từ xử lý nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng có thêm tiền để kinh doanh.
Việc xử lý nợ xấu trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ nhanh hơn sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời. Nếu có thể đẩy nhanh được tốc độ xử lý nợ xấu thì sẽ giải phóng được lượng vốn lớn mắc kẹt tại các tài sản không sinh lời và từ đó làm tăng nguồn vốn hoạt động của ngân hàng, khi đó sẽ tạo điều kiện ổn định lãi suất.
Các ngân hàng có thể tiếp tục tăng cường phát hành trái phiếu, tín phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi để huy động nguồn vốn trung dài hạn. Thông tư 19/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành vào cuối năm 2017 tuy đã giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng các ngân hàng vẫn rất cần tăng cường thêm nguồn vốn huy động trung dài hạn nhằm giảm chênh lệch kỳ hạn và có thể tăng cho vay trung dài hạn trong thời gian tới.
Về huy động vốn, một thông tin khác cũng đáng chú ý là Thông tư 14/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định phương pháp tính lãi mới, theo đó số ngày lãi phải tính trên 365 ngày thay vì 360 ngày như hiện nay.
Suốt thời gian qua, các ngân hàng khi tính lãi ngày cho khách hàng thường lấy lãi suất năm chia cho 360 ngày, với mặc định là một tháng có bình quân 30 ngày, điều này vô hình trung làm cho khách hàng gửi tiền bị thiệt 5 ngày, trong khi lãi suất vay tính theo số ngày thực tế trong tháng.
Với quy định tính lãi 365 ngày, khung lãi suất mới sẽ tăng nhẹ. Giả dụ lãi suất năm tính theo 360 ngày hiện nay là 5%, thì nếu quy đổi sang 365 ngày, lãi suất tăng gần 5,1%, do đó chi phí vốn của các ngân hàng có thể tăng nhẹ sau khi điều chỉnh. Tuy nhiên, quy định mới này chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi và cấp tín dụng từ ngày 1/1/2018 trở đi, còn những hợp đồng phát sinh trước ngày Thông tư 14/2017 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết.
Việc huy động vốn từ khách hàng trong năm 2018 có thể không nhiều thuận lợi như năm 2017, tuy nhiên kỳ vọng nguồn vốn từ tăng vốn điều lệ và đặc biệt là từ xử lý nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng có thêm tiền để kinh doanh.
Tín dụng và đầu tư tiếp tục giúp tăng trưởng lợi nhuận
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng tiếp tục được duy trì ở mức từ 18 - 20%, sau khi năm 2017 đạt ở mức 16,96%, cộng với nhu cầu vay có thể tiếp tục tăng thì các ngân hàng sẽ có cơ hội gia tăng tín dụng - yếu tố chính đã thúc đẩy lợi nhuận tăng mạnh trong năm vừa rồi.
Đáng chú ý là Thông tư 18/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đối với nhóm khách hàng xuất khẩu hàng hóa đến hết năm 2018 và cũng có hiệu lực từ 1/1/2018. Việc gia hạn này sẽ giúp các ngân hàng duy trì được kênh vốn đầu ra với suất sinh lời hấp dẫn, do lãi suất huy động USD hiện tại là 0% nhưng lãi suất cho vay từ 4 - 5%. Như vậy doanh nghiệp vẫn còn một kênh vay vốn với lãi suất rẻ thay vì vay VND, từ đó giúp hàng hóa xuất khẩu có được lợi thế cạnh tranh phần nào.
Cũng với việc thị trường chứng khoán tốt lên, các ngân hàng có thể tích cực thoái vốn khỏi các khoản đầu tư. Vietcombank sau khi thoái vốn thành công tại Saigonbank, OCB thì dự kiến trong năm 2018 sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Eximbank và Ngân hàng Quân đội, trong khi Eximbank có thể sẽ tiếp tục thoái 7,95% phần vốn còn lại đang sở hữu tại Sacombank.
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn khi Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lộ trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém.
Những quy định mới trong Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi không những hỗ trợ những ngân hàng yếu kém mà còn giúp các tổ chức tín dụng được chỉ định hỗ trợ ngân hàng yếu kém thì khả năng sẽ có thêm các tổ chức tín dụng tham gia tái cấu trúc ngành ngân hàng.