Nhiều mặt hàng tăng giá, người dân thắt chặt chi tiêu
Sau 5 lần tăng giá liên tục, ngày 25/11, giá mặt hàng xăng dầu có phiên điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá xăng RON 95 hiện cao hơn 6.630 đồng; xăng RON 92 cao hơn 8.420 đồng. Trong khi đó, chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá mỗi bình gas loại 12 kg tăng tới 145.000 đồng, dao động ở mức 480.000- 550.000 đồng/bình 12 kg tùy hãng. Tương tự, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày cũng đồng loạt tăng giá, bắt buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu.
Không chỉ nhiên liệu tăng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tạm dừng hoạt động, chuỗi cung hàng hóa bị gián đoạn khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng theo.
Theo đó, so với trước dịch, giá đường cát bán lẻ hiện đã tăng thêm 5.000 đồng/kg; dầu ăn các loại tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/lít tùy loại; các mặt hàng sữa cũng tăng 10-15%. Các loại thực phẩm chế biến như: Bún tàu, miến, phở khô, bột mì, bột ngọt và các mặt hàng hóa mỹ phẩm cũng tăng từ 10-20%, thậm chí có những mặt hàng tăng từ 30-50%. Đến như gói bún tàu loại 50g ngày thường chỉ 3.000 đồng nay đã tăng lên 5.000 đồng...
Do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài, gần đây, giá các loại rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống cũng tăng lên. Hiện nay, tại các siêu thị và chợ truyền thống, giá các loại rau ăn lá dao động ở mức 15.000-25.000 đồng/kg; giá củ, quả các loại dao động ở mức 18.000-35.000 đồng/kg. Giá thịt lợn, cũng bắt đầu đảo chiều tăng thêm 10.000 đồng/kg, sau hơn 1 tháng giảm. Giá các loại hải sản tươi sống cũng ở mức rất cao; giá trứng gia cầm các loại tăng 5.000-7.000 đồng/chục.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và đời sống Nhân dân. Một bộ phận không nhỏ người dân bị mất việc làm, giảm ngày công dẫn đến thất nghiệp hoặc giảm thu nhập. Trong điều kiện giá cả tăng cao, nhiều gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Chị Võ Thị Kim Chi ở thôn Long Bình, xã An Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Hai vợ chồng cùng làm lĩnh vực vận tải nên 7 tháng qua, thu nhập của gia đình bị giảm mạnh. Từ hơn 15 triệu đồng, giờ đây tổng thu nhập của vợ chồng chị chỉ còn 2 triệu đồng/tháng. Với số tiền ít ỏi, chị phải tính toán chi li các khoản chi tiêu, ưu tiên cho ăn uống hằng ngày...
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Diễm Kiều ở thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải (Ninh Hải) cũng phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng” suốt nhiều tháng qua. Nhà có 5 người nhưng bố mẹ lớn tuổi, em trai út còn đi học nên mọi chi tiêu phụ thuộc vào thu nhập của Kiều và em trai.
Tuy nhiên, từ 6 tháng qua, cơ sở giáo dục tư nhân nơi chị làm việc tạm dừng hoạt động. Em trai chị cũng mới bắt đầu quay trở lại với công việc không lâu nên chưa có lương. Để chi tiêu trong nhà, chị đành phải rút dần những khoản tiền tiết kiệm từ trước. Chị Kiều cho hay: Để tiết kiệm, một tuần đi chợ một lần và chỉ chọn mua các loại cá, rau, củ, quả đang vào vụ, có giá rẻ, tuyệt đối không mua những đồ dùng vật dụng chưa thật cần thiết.
Để thích ứng với điều kiện khó khăn hiện tại, nhiều hộ gia đình đã xây dựng kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hợp lý và thay đổi một số thói quen hằng ngày như: Thường xuyên tự nấu ăn tại nhà, hạn chế ăn uống bên ngoài; hạn chế sử dụng điện, gas, xăng xe; cắt giảm hoàn toàn các khoản ăn vặt, quần áo, mỹ phẩm, dày dép...
Nhiều gia đình tìm đến các cửa hàng bình ổn giá, các siêu thị lớn để được mua hàng khuyến mãi, giảm giá... Rõ ràng, đây là những giải pháp hữu ích giúp người dân tự chủ tài chính, giảm bớt căng thẳng, áp lực trong điều kiện đại dịch COVID-19 còn có thể kéo dài, đời sống, thu nhập của người dân chắc chắn sẽ còn bị ảnh hưởng.