Chuyển đổi số ở doanh nghiệp: Còn nhiều khó khăn


Hiện nay, việc triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nhận thức. Giải pháp cho vấn đề này, ngoài vai trò chủ đạo của Nhà nước thì doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Quản lý bãi gửi xe bằng công nghệ thông tin tại I-resort. Ảnh: VL
Quản lý bãi gửi xe bằng công nghệ thông tin tại I-resort. Ảnh: VL

Theo ông Nguyễn Tri Huy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học tỉnh Khánh Hòa, chuyển đổi số là vấn đề thời sự toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi số.

Cụ thể, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có từ 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990.

Nguyên nhân chậm chuyển đổi số trong doanh nghiệp bởi nhiều thách thức từ công nghệ, vốn đến nhận thức. Chuyển đổi số chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của doanh nghiệp nên đòi hỏi trình độ rất cao về kỹ thuật cũng như nhân lực. Trong khi đó, đầu tư cho chuyển đổi số đòi hỏi nguồn vốn lớn và tác động lớn đến chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động của doanh nghiệp nhưng các nhà quản trị còn nhiều băn khoăn đến tính hiệu quả.

Năm 2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết 16 về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung vào 3 nội dung là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh đề ra các mục tiêu cao hơn so với mức trung bình của cả nước, như: Phấn đấu đến năm 2025, có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, trong khi mục tiêu này của cả nước là 80%; 100% đơn vị nhà nước thuộc tỉnh và trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chuyển dịch lên nền tảng số, trong khi cả nước chưa có mục tiêu này; tỷ lệ dân số trong tỉnh có điện thoại thông minh đạt trên 80%.

Thực tế cho thấy, tại Khánh Hòa và Việt Nam, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, rất nhiều khâu trong hoạt động của doanh nghiệp đã được ứng dụng công nghệ số, như: Thanh toán điện tử trong mua hoặc bán hàng; sử dụng mạng xã hội trong các chiến dịch marketing; các phần mềm quản lý kho hàng, giao nhận trong hoạt động logistics; dịch vụ điện toán đám mây trong quản trị nội bộ hay thương mại điện tử trong bán hàng…

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, với những hạn chế tiếp xúc và việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải thích ứng nhiều hơn các công nghệ số. Trong một số hoạt động, dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số cao gần bằng tỷ lệ doanh nghiệp đã ứng dụng trong thời gian dài trước đây, cụ thể như trong quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ… 

Theo ông Huy, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số; công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, ban hành các quy chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin.

Mặt khác, thời gian tới, cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là triển khai mạng di động 5G; hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 Về phía doanh nghiệp, trước hết cần lên ý tưởng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp với mục tiêu kinh doanh. Khi đã sẵn sàng về ý tưởng, chiến lược và con người thì bắt đầu tập trung đầu tư vào công nghệ. Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số để từng bước kết nối các hệ thống hiện có thành một hệ thống thông tin xuyên suốt từ kinh doanh đến các nghiệp vụ quản trị trong doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong toàn bộ doanh nghiệp; áp dụng công nghệ số mới để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu của doanh nghiệp…

Theo Báo Khánh Hòa