Nhiều nước châu Á tìm cách ứng phó hàng giá rẻ Trung Quốc


Nhiều quốc gia ở châu Á đã và đang tìm cách ứng phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Ô tô xuất khẩu tại một cảng ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tháng 5/2023. Ảnh: Reuters
Ô tô xuất khẩu tại một cảng ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

Các hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc đang phủ bóng đen lên các nền kinh tế châu Á. Bằng cách tràn ngập các thị trường toàn cầu bằng các sản phẩm giá rẻ, điều này không chỉ làm gia tăng lo ngại suy yếu sự cạnh tranh công bằng mà còn gây tổn hại nặng nề đến các ngành công nghiệp địa phương.

Làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ đang gây ra những thách thức kinh tế đáng kể trên khắp Đông Nam Á. Ở nhiều mức độ khác nhau, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang phải chứng kiến tình trạng mất việc làm, đóng cửa nhà máy và thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng.

Ngành dệt may của Indonesia bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Gần 50.000 công nhân trong ngành dệt may và giày dép của Indonesia đã mất việc làm trong năm nay do nhà máy đóng cửa.

Tương tự, hơn 1.300 nhà máy đã đóng cửa ở Thái Lan vào năm ngoái, tăng 60% so với năm 2022. Xu hướng này tiếp tục diễn ra vào năm 2023, với 500 nhà máy đóng cửa và 15.000 việc làm bị mất được báo cáo từ tháng 1 đến tháng 5.

Trong khi đó, Malaysia đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc, cho thấy mối quan hệ kinh tế ngày càng mất cân bằng.

Khi các doanh nghiệp nội địa suy yếu, năng lực sản xuất của khu vực cũng giảm dần, tác động đến sản lượng kinh tế chung. Vấn đề này đặc biệt rõ ràng ở Đông Nam Á, nhưng cũng xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngay cả ở Nhật Bản, vốn là cường quốc công nghiệp từ lâu, điện cực than chì giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào cũng gây bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước. Những mặt hàng nhập khẩu này, thường có giá thấp hơn chi phí sản xuất, đã khiến các nhà sản xuất Nhật Bản khó cạnh tranh, dẫn đến giảm thị phần và lợi nhuận cho các công ty trong nước. Tương tự như vậy, ở nhiều quốc gia tại châu Á, các nền tảng thương mại điện tử như Lazada và Shopee đã đưa hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc vào thị trường.

Các quốc gia châu Á đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để chống lại làn sóng nhập khẩu giá rẻ. Thái Lan đã xác định 58 sản phẩm, bao gồm thép và đồ nội thất, là mục tiêu cho các khoản thuế chống lẩn tránh và đã đề xuất mức thuế 30,9% đối với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Indonesia đang cân nhắc mức thuế 200% đối với vải nhập khẩu và các hàng hóa khác. Cả Malaysia và Thái Lan đều đã áp dụng thuế đối với hàng nhập khẩu trực tuyến giá trị thấp để giúp cân bằng sân chơi cho các nhà bán lẻ trong nước.

Các chuyên gia nhận định, việc sản xuất của các nhà sản xuất Trung Quốc, cùng với tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và ngành bất động sản đang suy giảm, đã dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa. Để bán bớt lượng hàng dư thừa này, các nhà sản xuất Trung Quốc đang lấp đầy thị trường toàn cầu bằng những sản phẩm thường được bán dưới giá thành.

Đặc biệt, một số ngành công nghiệp như xe điện và xe năng lượng mặt trời được hưởng lợi từ sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ, cho phép họ hạ giá thành và chiếm lĩnh thị phần.

Theo Doris Liew, chuyên gia kinh tế và Trợ lý Giám đốc nghiên cứu tại IDEAS Malaysia, sự phụ thuộc vào giá thấp này gây ra rủi ro dài hạn. Thứ nhất, một khi các công ty này củng cố vị thế thị trường của mình, họ có thể tăng giá, gây hại cho người tiêu dùng. Thứ hai, lợi thế cạnh tranh không công bằng sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng của các ngành sản xuất ở các quốc gia khác. Cuối cùng, thâm hụt thương mại kéo dài có thể làm suy yếu đồng tiền của một quốc gia và gia tăng nợ công.

Aaron Pek, cựu Quản lý quỹ và là biên tập viên của Value Investing Substack nhận định, các nước châu Á phải thận trọng điều hướng cách tiếp cận của mình đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cân bằng lợi ích của hàng hóa giá rẻ với yêu cầu cấp thiết là bảo vệ và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp trong nước. Vấn đề này không chỉ giới hạn ở kinh tế, mà nó bao hàm mục tiêu rộng hơn là đảm bảo tăng trưởng bền vững và khả năng phục hồi kinh tế.

Một mặt, hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc mang lại những lợi thế đáng kể bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng các hàng hóa giá rẻ hơn. Điều này giúp giảm bớt áp lực lạm phát và cải thiện khả năng chi trả nói chung, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Mặt khác, dòng hàng nhập khẩu này có thể gây ra những thách thức nghiêm trọng cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước. Sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa giá rẻ có thể làm xói mòn năng lực sản xuất trong nước, dẫn đến mất việc làm và có khả năng kìm hãm sự đổi mới và đầu tư vào các ngành công nghiệp địa phương.

Để giải quyết những thách thức này, ông Aaron Pek cho rằng, các nước châu Á cần cân nhắc cách tiếp cận chính sách thương mại cân bằng để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trong khi vẫn cho phép hưởng lợi từ hàng nhập khẩu giá rẻ.

"Điều này có thể bao gồm thuế quan có mục tiêu, các biện pháp chống bán phá giá và các quy định nhập khẩu chặt chẽ hơn để đảm bảo cạnh tranh công bằng", ông Pek gợi ý.

Hơn nữa, Guanie Lim, Phó Giáo sư ngành Nghiên cứu Phát triển tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo chỉ ra, sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc gây ra những rủi ro dài hạn. Tình trạng thâm hụt thương mại đáng kể và dai dẳng có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra, ảnh hưởng đến sự ổn định của tiền tệ và tạo ra sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.

Chuyên gia này cho biết thêm, sự mất cân bằng này có thể làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế trong nước và hạn chế khả năng đầu tư vào đổi mới và phát triển của các ngành công nghiệp địa phương.

Việc áp dụng thuế quan hoặc các biện pháp bảo hộ khác phải được thực hiện một cách thận trọng và phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế. Các biện pháp này có thể được thiết kế để nhắm vào các lĩnh vực cụ thể đặc biệt dễ bị tổn thương, cung cấp cứu trợ ngắn hạn trong khi vẫn dành thời gian cho các ngành công nghiệp trong nước xây dựng năng lực, cải thiện khả năng cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường của họ.

Ngoài ra, bất kỳ biện pháp bảo vệ nào cũng nên đi kèm với các chiến lược kinh tế rộng hơn để thúc đẩy tăng trưởng và tính bền vững dài hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa kinh tế, đổi mới và phát triển kỹ năng.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn