Tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, đảm bảo ổn định đời sống người dân
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của cử tri tại nhiều địa phương thời gian qua là việc kiểm soát giá cả hàng hóa nhằm kiểm soát lạm phát, giúp người dân an tâm hơn trong cuộc sống. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh điều chỉnh tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu từ ngày 01/7/2023.
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới Bộ Tài chính sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV, đa số cán bộ, công chức, cán bộ hưu trí phấn khởi trước thông tin điều chỉnh tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 01/7/2023; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; tăng chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở; điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ y tế từ ngày 01/01/2023.
Tuy nhiên, các cử tri bày tỏ băn khoăn khi mức lương tăng kéo theo tình hình giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu tăng cao. Chính vì vậy, cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị cần có giải pháp kiểm soát giá để đảm bảo cho người dân an tâm hơn trong cuộc sống.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, công tác quản lý, điều hành giá hiện nay được thực hiện theo Luật Giá, bảo đảm nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Giá các mặt hàng nhìn chung được hình thành theo cơ chế thị trường; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế-xã hội.
Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã quy định về việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng áp dụng kể từ ngày 01/7/2023. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.
Đặc biệt, việc tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, Bộ Tài chính cho rằng, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa.
Tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.
Cùng với đó, các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng quản lý nhà nước tại địa phương có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường.
Bộ Tài chính cho biết sẽ sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá.
Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Liên quan đến tình hình lạm phát, theo kết quả kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn mức CPI bình quân chung. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng tháng có thể thấy, CPI đang có xu hướng giảm dần qua các tháng, tháng 4 giảm 0,34% so với tháng 3, trong khi các tháng trước đó đều tăng khá thấp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài. Theo Thủ tướng, hiện lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.
Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình, CPI tại Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khả quan, với khả năng lớn sẽ đạt được theo chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2023 khoảng 4,5%.