Nhìn lại mình sau cơn sóng gió

Thu Phương

TCTC - "... Khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa qua nhưng những điều ngoài mong muốn của nó để lại ở tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt trên thị trường tài chính là khá rõ nét. Tuy nhiên, nhìn ở một giác độ khác, khủng hoảng không phá hủy tất cả mà trái lại nó còn tạo cơ hội để chúng ta nhìn nhận một cách xác đáng những điểm yếu nền kinh tế nói chung và của thị trường tài chính nói riêng". - Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã nhận định như vậy về thị trường tài chính Việt Nam trong khủng hoảng.

Hơn một nửa chặng đường năm 2009 đã qua, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa có tín hiệu rõ nét để khẳng định rằng nó sẽ qua đi trong ngắn hạn. Nếu như thị trường tài chính thế giới đã, đang và không loại trừ là khả năng còn phải chống chọi với những cơn "cuồng nộ", thì nhìn lại thị trường tài chính Việt Nam, mặc dù cũng phải trải qua nhiều "sóng gió" nhưng khó khăn lớn nhất đã ở phía sau lưng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2009 đến nay, thị trường tài chính Việt Nam được đánh giá là có độ an toàn, ổn định khá hơn năm 2008 và so với nhiều nước trên thế giới. Sự an toàn đó được ghi nhận là không có đổ vỡ, thị trường tỷ giá, lãi suất đã dần ổn định, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng dần được cải thiện.

Tuy nhiên, an toàn trong "sóng gió" không có nghĩa là thị trường tài chính Việt Nam đã vững mạnh; thực tế không thể hoàn toàn lạc quan đánh giá thị trường tài Việt Nam vượt qua thử thách của sóng gió là do có nền tảng bền vững. Việt Nam là thị trường mới nổi, thị trường tài chính vẫn trong giai đoạn sơ khai, các quan hệ thị trường chưa đồng bộ, thậm chí càng khập khiễng, méo mó hơn sau khi bước ra khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một trong những lĩnh vực dễ dàng nhận diện nhất là hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Thực hiện chính sách hội nhập, trong những năm gần đây thị trường tài chính Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển khá khả quan và đang dần hoàn thiện hơn theo yêu cầu của xu thế mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể tạm gọi "sóng gió" đã qua nhưng ít nhiều thị trường tài chính Việt Nam đã bị "méo mó" bởi những tác động của cơ chế bù lãi suất và chính sách thắt chặt, nới lỏng tiền tệ quá nhanh khiến cho thị trường không phản ứng kịp...

Đến nay, thị trường có "dễ thở" hơn nhưng vẫn còm tiềm ẩn nhiều bất ổn và những "dư chấn" của nó có lẽ sẽ phải mất vài năm mới trở lại trạng thái bình thường. Ông Thành cũng cho rằng, dù tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn, vẫn cần phải đánh giá lại tỷ lệ nợ xấu, cũng như kiểm soát dòng tiền của gói kích cầu được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, tất cả những vấn đề này phần nhiều mang yếu tố ngắn hạn. Nếu cái đích hướng tới là một tầm nhìn trung và dài hạn hơn thì vấn đề giám sát hệ thống tài chính cần được đặc biệt coi trọng, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng này, chứ không chỉ là sau khủng hoảng.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có thể chế chính sách cho việc giám sát thị trường tài chính. Mới chỉ có cơ quan giám sát tài chính của Quốc hội là chưa đủ, cần phải có cơ quan giám sát độc lập với hoạt động ngân hàng. Cơ quan này phải được thông báo, cập nhật tình hình ngân hàng, được trao quyền để giám sát, kiểm tra hoạt động của hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, cần phải điều chỉnh khi tính tới vấn đề tái cấu trúc thị trường tài chính.

Đó là sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường tài chính, sự ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế đối với thị trường tài chính, sự liên thông giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính, cũng như những tác động khi vào năm 2025, dự kiến Cộng đồng chung ASEAN sẽ được thành lập.

Nhận diện thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, TS. Nguyễn Đại Lai (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: Một chu kỳ tăng lãi suất điều hành mới cũng đã, đang và sẽ diễn tiến theo quy luật ở quy mô thế giới. Thị trường tài chính trong nước ngay từ bây giờ cần chủ động đón trước xu hướng này để không bị động trong việc chống lạm phát. Nếu không, việc kìm giữ lạm phát ở nước ta dưới 10% trong năm 2009 là vô cùng khó khăn.

Trong thị trường tài chính, các dòng vốn luôn vận động theo quy luật “nước chảy chỗ trũng” và theo nguyên tắc “bình thông nhau”; Hơn nữa, các chính sách vĩ mô không nên can thiệp theo kiểu hành chính hoặc trái quy luật vào các cơ chế vận động của thị trường. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần sớm công bố minh bạch chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng theo hướng hiệu quả, hiện đại đủ sức tạo định hướng và niềm tin cho thị trường hấp thụ vốn có hiệu quả làm cơ sở cho khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp phát triển theo theo đúng chiến lược quốc gia.

Một khối lượng lớn vốn trung và dài hạn có lộ trình, địa chỉ hiệu quả và lãi suất theo từng giai đoạn đủ hấp dẫn, được huy động bằng trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ tạo thành trái phiếu chất lượng cao để bổ sung ngay vào TTCK đang mất cân đối giữa cổ phiếu và trái phiếu như hiện nay là rất cần thiết cả cho việc tạo vốn, cả cho việc tạo công cụ để chủ động “bơm - hút” phương tiện thanh toán trong lưu thông...

Cũng như vậy, đẩy mạnh phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước để hấp thụ lập tức lượng ngoại tệ trôi nổi, găm giữ phục vụ ngay cho nhu cầu nhập khẩu thiết bị, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và thị trường tiêu thụ ngoại tệ lành mạnh cho nhà xuất khẩu cũng cần được phát hành thường xuyên. Trái phiếu này cũng là nguồn hàng hoá và là công cụ tốt để bổ sung vào TTCK...

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng Chính phủ cần kích thích kinh tế bằng mở rộng tiền tệ và tài khoá; làm sạch hệ thống tài chính - ngân hàng khỏi các tài sản “độc hại”; đồng thời, tiến hành các cải cách thể chế và tái cấu trúc kinh tế. Đối với nước ta, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách có thể vượt ngưỡng kỷ lục 8% do các nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, thuế xuất-nhập khẩu, thuế thu nhập DN... giảm mạnh (dự báo có thể giảm 50 đến 90 nghìn tỷ đồng trong năm 2009) thì chính sách tiền tệ chỉ còn một hành lang hẹp: vừa phải nới lỏng, vừa phải đề phòng lạm phát quay trở lại. Giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% có tác dụng tích cực giúp DN giảm chi phí vốn, lập lại cân bằng trên bảng kế toán, nhưng lại gây mất cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối.

Chưa thể khẳng định khủng hoảng đã qua đi nhưng có thể nói đây là thời điểm tốt để Việt Nam nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những tồn tại trên thị trường tài chính của mình và cũng là cơ hội để đổi mới cho phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế. Chẳng hạn, phải phát triển hệ thống tài chính vi mô để phục vụ cho nhu cầu vốn của vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo sự thông suốt cho thị trường vốn. Cụ thể như, vừa qua nhiều DNNVV không thể tiếp cận vốn ngân hàng là do sự ách tắc của thị trường vốn.

Để tránh ách tắc, thì phải tính tới cấu trúc thị trường tài chính cho phù hợp. Muốn làm được việc này vai trò của cơ quan quản lý tiền tệ trong việc tạo lòng tin đối với nhân dân, cũng như vai trò của các định chế tài chính là rất quan trọng.