Nhìn lại những điểm nhấn thị trường bất động sản năm 2014

PV.

(Tài chính) Nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2014 đã có những khởi sắc tích cực. Nhận định này phần nào được thể hiện qua diễn biến chú ý của thị trường trong 11 tháng qua.

Bất chấp những lo ngại vì dư thừa nguồn cung, thị trường BĐS vẫn chứng kiến nhiều công trình, dự án được khởi công và chào hàng. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Bất chấp những lo ngại vì dư thừa nguồn cung, thị trường BĐS vẫn chứng kiến nhiều công trình, dự án được khởi công và chào hàng. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Lượng giao dịch thành công tăng mạnh. Sau 11 tháng, lượng giao dịch BĐS tăng nhiều nhất là các căn hộ có diện tích nhỏ. Giao dịch thành công chủ yếu từ các dự án đã hoàn thành, những dự án mới mở bán ở khu vực có đầy đủ các công trình hạ tầng, mật độ xây dựng thấp, chủ đầu tư có uy tín và các dự án đang thi công với tiến độ tốt. Thống kê cho thấy, tại Hà Nội có khoảng 1.400 giao dịch thành công, tăng 12% so với tháng trước; lũy kế 11 tháng năm 2014 có 9.950 giao dịch thành công, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2013. Tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 11 có khoảng 1.300 giao dịch thành công, tăng 18% so với tháng trước, lũy kế 11 tháng năm 2014 có khoảng 8.850 giao dịch thành công, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2013…

Lượng tồn kho BĐS giảm. Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/11/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 77.811 tỷ đồng (so với quý I/2013 giảm 50.737 tỷ đồng (giảm 39,47%); so với tháng 12/2013 giảm 16.647 tỷ đồng (giảm 17,62%); so với thời điểm ngày 20/10/2014 giảm 2.760 tỷ đồng. Trong đó: Tồn kho căn hộ chung cư: 15.774 căn (tương đương 24.114 tỷ đồng); Tồn kho nhà thấp tầng: 13.058 căn (tương đương 21.344 tỷ đồng); Tồn kho đất nền nhà ở: 8.642.414 m2 (tương đương 27.808 tỷ đồng); Tồn kho đất nền thương mại: 1.637.782 m2 (tương đương 4.545 tỷ đồng)…

Tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực BĐS cải thiện. Tín dụng trong lĩnh vực này có xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay khi các ngân hàng đã cung ứng vốn trở lại cho các dự án. Tính đến ngày 30/9/2014, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đạt 293.160 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với thời điểm ngày 31/12/2013, cụ thể như sau: Dự nợ cho vay xây dựng khu đô thị là 60.225 tỷ đồng, tăng 23% so với ngày 31/12/2013; Dư nợ cho vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê là 31.656 tỷ đồng, giảm 9% so với ngày 31/12/2013; Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp với cho thuê là 80.114 tỷ đồng, tăng 19,2% so với ngày 31/12/2013; Dư nợ cho vay mua quyền sử dụng đất là 18.847 tỷ đồng, tăng 19,7% so với ngày 31/12/2013; Dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh BĐS khác là 56.952 tỷ đồng, tăng 27,3% so với ngày 31/12/2013...

Nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS giảm. Dư nợ xấu tính đến ngày 30/9/2014 là 11.484 tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm ngày 31/8/2014. Tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đến ngày 30/9/2014 là 3,9%, giảm so với tháng trước (thời điểm ngày 31/8/2014 tỷ lệ nợ xấu là 4,7%) và tăng chút ít so với cuối tháng 12/2013 (thời điểm ngày 31/12/2013 tỷ lệ nợ xấu là 3,38%).

Giá nhà ở tương đối ổn định. Chẳng hạn, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư phần lớn giữ giá ổn định, một số khu vực hạ tầng tốt, đi lại thuận tiện giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1 - 2 triệu đồng/m2 so với đầu năm 2014. Các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ giá chung cư không tăng, thậm chí giảm so với cuối năm 2013 (như dự án Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị Văn Phú - Hà Đông). Giá nhà thấp tầng khu vực Hà Đông, Hoài Đức giá giảm khoảng 2 - 4% so với cuối năm 2013… Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giá nhà ở tại Việt Nam hiện không có tên trong tốp 20 quốc gia có giá nhà ở cao nhất thế giới. Trong khi đó, tại Đông Nam Á còn có Singapore, Indonesia. Châu Á thì có Trung Quốc, Nhật Bản.

Lượng cung vẫn tăng. Bất chấp những lo ngại vì dư thừa nguồn cung, thị trường BĐS vẫn chứng kiến nhiều công trình, dự án được khởi công và chào hàng. Cả thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy nguồn cung mới đang ồ ạt tấn công thị trường. Thậm chí, không chỉ những dự án giá rẻ vốn được coi là động lực tăng trưởng của thị trường vì phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của đại đa số người dân, mà ngay cả những dự án cao cấp cũng được đưa ra thị trường với tổng cung lên đến hàng nghìn căn. Chỉ riêng tại Hà Nội, năm 2014 cũng đã gần chục dự án căn hộ cao cấp xuất hiện trên thị trường, tổng số lượng các dự án này vào khoảng hơn 1.000 căn. Hiện Hà Nội có khoảng trên 30 dự án chung cư cao cấp, cung cấp khoảng trên 22 nghìn căn hộ.

Xu hướng M&A dự án BĐS ngày càng sôi động. Năm 2014, thị trường chứng kiến khá nhiều các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS. Lĩnh vực này đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây, Vinacapital đã hoàn thành việc bán 53% cổ phần tại Movempick Hotel Saigon với giá trị 16,1 triệu USD cho Tập đoàn Tung Shing (Hong Kong). Lotte Mart – Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động… Bên cạnh đó, ngay cả các DN nội với nguồn tài chính mạnh cũng đang muốn mua lại các dự án trong bối cảnh giá BĐS giảm, chẳng hạn như mới đây nhất, CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh đã chi tiền để chính thức bắt tay với hai đối tác trong nước triển khai 2 dự án là Khu cao ốc chung cư - văn phòng - dịch vụ thương mại và Khu cao ốc văn phòng và căn hộ chung cư  tại TP. Hồ Chí Minh. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện tính thanh khoản của thị trường BĐS và xu hướng các DN bán các dự án để giảm bớt gánh nặng tài chính khiến hoạt động mua bán, chuyển nhượng diễn ra sôi động.

Hiệu ứng tốt từ chính sách. Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định mở cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam được xem là cú hích thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE cho rằng, Luật mới thông qua sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường này. Việc sửa đổi lần này có thể chưa có tác động ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ giúp thị trường nhà ở đã được cải thiện gần đây đi theo hướng tích cực hơn. Sự thay đổi này sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, điều đặc biệt cần thiết cho thị trường BĐS Việt Nam vốn đã chững lại sau thời kỳ bùng nổ trước năm 2008. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển ổn định trong dài hạn. Trước mắt cũng sẽ có tác dụng mạnh trong việc giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu BĐS hiện nay.