Nhìn lại quy định mới liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Trong năm 2014, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách và quy định pháp luật có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài như người đại diện theo pháp luật, con dấu doanh nghiệp, lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…

Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn

Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp

Từ ngày 01/07/2015, theo Luật Doanh nghiệp mới, doanh nghiệp được quyền quyết định hình thức, số lượng,  nội dung con dấu của doanh nghiệp và số lượng, chức danh quản lý, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần.

Thời hạn góp vốn đối với chủ sở hữu, thành viên công ty TNHH bị rút ngắn còn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra khi thay đổi các thông tin về đăng ký doanh nghiệp, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp mới sẽ không có thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Lĩnh vực thương mại

Luật Đầu tư 2014 đã quy định tập trung các hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm trong một văn bản pháp luật như: ma túy; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;…

Trong khi theo quy định hiện tại, các hoạt động bị cấm này được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Ngoài ra, Luật Đầu tư 2014 cũng đã bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư mới như: sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng,...

Lĩnh vực thuế

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Từ ngày 01/01/2015, Nhà Nước dỡ bỏ quy định về mức trần 15% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị,…

Lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm xã hội (BHXH): Từ ngày 01/01/2016, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 đến dưới 3 tháng và người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương. NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp sẽ được tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018. Ngoài ra, quy định mới về BHXH còn gia tăng quyền lợi của NLĐ như: bổ sung đối tượng hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con, bổ sung các quy định về điều kiện, thời gian hưởng các chế độ BHXH khác,…

Bảo hiểm y tế (BHYT): Từ ngày 01/01/2015, tổ chức BHXH chịu trách nhiệm đóng BHYT cho NLĐ trong thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của NLĐ trước khi nghỉ thai sản. Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi 2014 cũng gia tăng mức phạt đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trốn đóng BHYT cho NLĐ. Theo đó, NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì không những phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây) tính trên số tiền và thời gian chậm đóng, mà còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.