Nhịp sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sau ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận từ tháng 4/1992 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các sở, ban, ngành và cả hệ thống chính trị tỉnh ta đã triển khai đồng bộ có hiệu quả công tác dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không ngừng phát triển.
Toàn tỉnh Ninh Thuận có 34 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 23,5% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào Chăm và Raglai. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số đã đóng góp sức người, sức của, nhiều cơ sở cách mạng được hình thành và phát triển ở các thôn, xóm góp phần viết nên những trang sử hào hùng, rạng danh cho quê hương Ninh Thuận.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại một số địa phương trong tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để cảm nhận sự đổi thay. Từ huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái đến vùng đồng bằng ven biển Ninh Phước, Thuận Nam, bà con hăng hái thi đua lao động sản xuất, sáng tạo trong phát triển kinh tế, tạo nên bức tranh sinh động, trù phú.
Chia sẻ về sự phát triển của địa phương, đồng chí Đá Mài Bắn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến (Thuận Bắc), phấn khởi: Nhiều năm trở lại đây, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình phù hợp như: Mô hình thâm canh cây mía, với quy mô 30 ha cho năng suất đạt 60 tấn/ha, bắp lai đạt năng suất 5 tấn/ha/vụ; trên 250 ha cây ăn quả trên vùng đất dốc. Mô hình nuôi heo đen, bò, dê, cừu dưới tán rừng... đem lại nguồn thu nhập ổn định, nhờ đó đời sống của người dân được nâng lên đáng kể.
Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2021 của Chính phủ về công tác dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, đề án, kế hoạch liên quan đến công tác dân tộc và miền núi; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai học tập, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy nâng cao đời sống của người dân.
Theo đó, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; thời gian qua tỉnh đã tập trung đầu tư, lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ đầu tư gần 1.200 hạng mục công trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, nổi bật như: Mô hình trồng bắp lai, mì cao sản, các loại cây ăn quả, thực hiện có hiệu quả 19 cánh đồng lúa lớn, măng tây xanh, bắp lai... với diện tích gần 2.500 ha ở các xã vùng dân tộc, miền núi. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm ước đạt trên 52.700 ha.
Chủ trương phát triển tổng đàn gia súc có sừng theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ cũng được quan tâm, chú trọng. đến nay, tổng đàn gia súc của 37 xã vùng đồng bào hiện có khoảng 300.000 con; đặc biệt, các hộ nằm trong diện hưởng lợi từ chương trình, dự án đã thành lập các tổ, nhóm liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đưa giá trị sản phẩm vật nuôi được nâng lên.
Cùng với đó, việc giao rừng khoán quản cho người dân được đẩy mạnh, với diện tích trên 135.000 ha được giao khoán cho 97 tổ cộng đồng, các địa phương còn tập trung triển khai thực hiện mô hình nông - lâm kết hợp gắn với phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, tạo sinh kế bền vững nâng cao thu nhập. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 4%/năm; số hộ khá, giàu ngày càng tăng.
Song song với phát triển kinh tế, đến nay, hệ thống giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoặc nhựa hóa. Mạng lưới điện các thôn, xã được ngành Điện lực cải tạo, mở rộng, với tỷ lệ sử dụng điện đạt 99,98%; các chính sách hỗ trợ nhà ở, dịch vụ chăm sóc y tế, trợ cấp cho học sinh nghèo đến trường, trợ giúp pháp lý, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào được quan tâm; công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được các ngành quan tâm thực hiện.
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm dành nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh khác như hỗ trợ xây dựng nhà ở; khai hoang, cải tạo và phục hóa trên 2.500 ha đất sản xuất cho hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; xây mới, nâng cấp mở rộng công trình chợ nông thôn, thực hiện các dự án di dân chống sạt lở tại địa điểm có nguy cơ cao...
Thông qua các chính sách hỗ trợ cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núicó sự chuyển biến rõ nét. Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Ban chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án thuộc lĩnh vực công tác dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Đẩy mạnh tuyên truyền và cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao ý thức của người dân vươn lên để giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.