Nhọc nhằn vì giá lúa
Sau khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo (tương đương hai triệu tấn lúa) bảo đảm cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có lãi 30%, giá thu mua lúa ở các tỉnh nhích lên 100 đến 200 đồng/kg, nhưng nhà nông vẫn rất lo lắng vì sức tiêu thụ lúa rất chậm.
Dư thừa hàng triệu tấn lúa
Những ngày này, nông dân ấp Gò Chuối, xã Hưng Ðiền (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) tất bật thu hoạch lúa hè thu, gương mặt ai cũng trĩu nặng nỗi âu lo. Trên các bờ kênh trục, kênh ngang, lúa hè thu chất đống, nhưng dưới kênh chẳng thấy bóng một chiếc ghe thu mua lúa nào. Ông Tăng Văn Nghiệp, canh tác 22 nghìn m2 ruộng, than thở: "Mấy bữa nay chạy khắp nơi kêu thương lái đến mua lúa với giá 3.000 đồng/kg nhưng chẳng ai chịu mua. Bán giá 3.000 đồng một kg lúa, nhà nông đã lỗ 500 đồng, nhưng cái khó là không có người mua, không biết lấy đâu ra tiền trả nợ vật tư nông nghiệp, nợ ngân hàng".
Ở Long An, vụ hè thu 2010, nông dân sản xuất được hơn 800 nghìn tấn lúa, nhưng chỉ tiêu thu mua tạm trữ đợt này chỉ có 45 nghìn tấn gạo (tương đương 90 nghìn tấn lúa). Trong khi đó các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo của tỉnh đang còn tồn kho hơn 100 nghìn tấn gạo, nhà nông vẫn còn tồn trữ trong nhà khoảng 60 nghìn tấn lúa của vụ đông xuân 2009-2010. Theo ước tính của ngành nông nghiệp Long An, vụ hè thu này tiếp tục dư thừa hơn 55 nghìn tấn gạo không tiêu thụ được. Ông Hồ Văn Bún, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng, bức xúc nói: "Chưa khi nào người nông dân lại gặp cảnh khốn khổ như hiện nay. Hiện giá bán một kg lúa chưa bằng nửa cân rau muống. Lúa bán không được, nỗi lo không có tiền trả nợ ngân hàng, nợ vật tư nông nghiệp canh cánh trong lòng, nhưng nỗi lo lớn nhất của nhà nông là trong những tháng mưa lũ sắp tới, nước ngập trắng đồng, không có chỗ nào để trữ lúa chờ giá".
Ở Ðồng Tháp, nông dân đã thu hoạch được hơn 170 nghìn ha lúa hè thu trong tổng số 197 nghìn ha xuống giống, năng suất bình quân đạt 5,3 tạ một ha, tăng hơn vụ hè thu 2009 khoảng 180 kg một ha, nhưng giá bán rất thấp. Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân huyện Tam Nông cho biết, hiện nay thương lái mua lúa hạt dài, khô, ít tạp chất với giá 3.800 đồng/kg, lúa ướt chỉ có 3.500 đồng/kg. Trong khi đó lúa IR 50404 khô, giá chỉ 3.500 đồng/kg, lúa ướt bán 3.000 đồng/kg nhưng không có người mua. "Lúa chất đống trong nhà, trên bờ ruộng, bờ kênh, nông dân chúng tôi năn nỉ hàng xáo, sẵn sàng bán lúa giá rẻ để lấy tiền trang trải nợ nần, vậy mà họ cũng không thèm mua. Vụ này chi phí sản xuất một kg lúa đã gần 3.500 đồng, nhà nông coi như lỗ trắng tay" - ông Hải than thở.
Theo Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Tháp, vụ hè thu 2010 Ðồng Tháp có khoảng một triệu tấn lúa hàng hóa, nhưng hiện nay tình hình tiêu thụ rất khó khăn, giá bán lúa đã xuống dưới giá thành sản xuất nhưng sức mua rất chậm vì tỉnh Ðồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ rất ít. "Nếu không giải quyết được khâu tiêu thụ một triệu tấn lúa hàng hóa vụ đông xuân thì nông dân Ðồng Tháp sẽ rơi vào cảnh bế tắc, bởi hiện nay toàn tỉnh vẫn còn tồn đọng hơn 200 nghìn tấn lúa đông xuân chưa bán được, trong khi 50 nghìn ha vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) sắp thu hoạch, sản lượng ước tính lên đến khoảng hơn 200 nghìn tấn" - ông Quốc cho biết.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ÐBSCL, vụ hè thu 2010, ÐBSCL thu hoạch gần tám triệu tấn lúa hàng hóa trong khi vụ đông xuân hiện vẫn còn tồn hơn 1,3 triệu tấn không bán được vì giá quá thấp. Sắp tới lúa vụ ba sắp thu hoạch với sản lượng toàn vùng khoảng năm triệu tấn, nhưng hiện nay chỉ tiêu thu mua tạm trữ của Chính phủ giao cho các doanh nghiệp chỉ có một triệu tấn gạo (tương đương hai triệu tấn lúa), chắc chắn ÐBSCL sẽ dư thừa hàng triệu tấn lúa. "Theo quy luật thị trường, lúa càng dư thừa thì giá bán càng giảm, nên nhà nông không có khả năng bán lúa với mức giá có lãi 30% như Chính phủ quy định" - ông Bảnh nói.
Doanh nghiệp không có khả năng tạm trữ
Theo Công ty Lương thực Ðồng Tháp, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là thiếu hệ thống kho trữ lúa bảo đảm tiêu chuẩn hiện đại. Ở Ðồng Tháp, toàn bộ kho hàng của công ty lương thực chỉ có khả năng chứa được 68 nghìn tấn gạo, trong khi sản lượng lúa gạo của tỉnh rất lớn. Một cán bộ của công ty cho biết: "Chúng tôi chỉ thu mua gạo vì không thể tổ chức hệ thống thu mua lúa đến tận xã như những năm 1980, bởi rất tốn kém mà không hiệu quả. Hơn nữa, công ty không có đủ nhân sự để làm việc này. Lâu nay hệ thống kho chứa trong tỉnh chỉ có khả năng bảo quản gạo tối đa ba tháng là xuống màu, giảm phẩm cấp, khi ký được hợp đồng xuất khẩu phải đưa gạo ra lau bóng lần nữa, tốn thêm một khoản chi phí".
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh xác nhận việc các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua gạo, không mua lúa của nông dân, có nguyên nhân chủ yếu là năng lực dự trữ kém và quen cung cách làm ăn theo "quy trình ngược", kiếm tiền lời nhanh hơn. "Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay sản lượng lúa cả năm của ÐBSCL hơn 20 triệu tấn, nhưng tổng sức chứa của các nhà kho trong vùng chỉ khoảng 900 nghìn tấn, một con số hết sức khiêm tốn. Trên thực tế, những kho lúa gạo của ngành lương thực ở ÐBSCL chỉ đơn thuần là... cái bồ chứa lúa khổng lồ, chưa có nhà kho nào đạt tiêu chuẩn kho dự trữ hiện đại như ở Thái-lan hoàn toàn tự động hóa, tự điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm để có thể bảo quản lúa gạo từ sáu tháng trở lên" - ông Bảnh nhận xét.
Không có kho dự trữ lúa gạo đủ năng lực và tiêu chuẩn nên lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ÐBSCL buộc phải ký hợp đồng khi trong tay không có gạo, sau khi có hợp đồng mới quơ quào thu mua gạo nguyên liệu về chế biến và đưa xuống tàu xuất ngay, đẩy giá thu mua lúa lên cao; lúc không ký được hợp đồng thì án binh bất động, không thể mua dự trữ, khiến nhà nông khốn đốn vì giá lúa rớt thê thảm.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết: "Ở Thái-lan, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có hệ thống kho chứa hiện đại nên họ không ngần ngại thu mua lúa để dự trữ, khi nào được giá mới mang ra xay xát, chế biến thành gạo xuất khẩu, nên họ luôn chủ động được thị trường, bán được giá cao. Trong khi đó ở nước ta, doanh nghiệp không có năng lực dự trữ, nhà nông không còn bồ chứa lúa, nên thị trường cứ lập đi lập lại một điệp khúc: khi doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu thì giá lúa gạo nhích lên, khi không có hợp đồng thì lúa gạo rớt giá vì chẳng ai thu mua, nên giá nào nhà nông cũng phải bán đổ bán tháo để trả nợ".
Hiện tại, ÐBSCL đang cần hệ thống kho chứa lúa gạo hiện đại có khả năng tạm trữ được từ bốn đến năm triệu tấn/vụ, nhưng trở ngại lớn nhất là vốn đầu tư rất cao. Mới đây, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã đầu tư hơn 150 tỷ đồng để xây kho chứa lúa gạo công suất 45 nghìn tấn, Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng có kế hoạch xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho chứa lúa gạo với nhiều chính sách ưu đãi. Những kho chứa lúa gạo trong tương lai có hiện đại như ở Thái-lan hay không, chưa ai biết. Nhưng trước mắt, tình trạng ứ đọng lúa gạo trong dân đã đến mức nguy cấp. Theo Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, đã đến lúc Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét lại các chính sách vĩ mô giữa cân đối an ninh lương thực cho quốc gia và việc điều hành sản xuất lúa, xuất khẩu gạo. "Nếu năm nào cũng tái diễn bài ca "được mùa, rớt giá, bán không ai mua" thì nông dân ÐBSCL, những người góp phần lớn công sức để bảo đảm an ninh lương thực và đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu gạo, vẫn mãi nghèo khó", ông Quốc nói.
Theo: Nhân Dân