Từng bước hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

PV. (t/h)

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Tại Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi mới đây cũng tiếp tục thể hiện nội dung đề xuất mới nhằm hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế TNDN, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Việc áp dụng ưu đãi thuế đã có nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế.
Việc áp dụng ưu đãi thuế đã có nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế.

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh

Trong hơn 25 năm qua, để thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nước và tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài phù hợp điều kiện kinh tế của Việt Nam trong từng giai đoạn, chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng áp dụng thống nhất, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng đã giảm dần thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 32% vào năm 1999 xuống các mức 28% từ năm 2004, mức 25% từ năm 2009, mức 22% từ năm 2014 và mức 20% từ năm 2016 (riêng doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm áp dụng thuế suất 20% từ ngày 01/07/2013).

Theo Luật thuế TNDN hiện hành, mức ưu đãi cao nhất có thể được áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi đầu tư là thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo; các mức ưu đãi thấp hơn như: (i) thuế suất 17% trong 10 năm, miễn thuế 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo; (ii) thuế suất 10%, 15% trong suốt thời gian hoạt động; (iii) miễn thuế tối đa 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 09 năm nhưng không ưu đãi về thuế suất.

Ngoài ra, kể từ ngày 01/01/2021, Luật Đầu tư đã bổ sung mức ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư đặc biệt. Theo đó, mức ưu đãi thuế cao nhất có thể áp dụng đối với dự án đầu tư là thuế suất ưu đãi 5% trong thời gian 37,5 năm nhưng không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư, miễn thuế 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp 13 năm tiếp theo. So với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, mức độ ưu đãi trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam là tương đối hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao.

Cùng với các biện pháp kinh tế khác, việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thời gian qua đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy DN mở rộng sản xuất. Việt Nam đã trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc áp dụng ưu đãi thuế đã có nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam như: Thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bao gồm cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu vùng miền; gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu…

Điểm mới tại Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Theo đó, các nội dung chủ yếu liên quan đến chính sách ưu đãi thuế được đề xuất tại dự thảo Luật như sau:

Thứ nhất, kế thừa các quy định về ngành nghề ưu đãi, mức ưu đãi tại Luật thuế TNDN hiện hành và nghiên cứu, tiếp thu và thể hiện một số quy định về ưu đãi thuế TNDN tại các Luật của Quốc hội đã ban hành gần đây (trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại Luật Đầu tư và nội dung tại một số Luật chuyên ngành khác) để đảm bảo tính đồng bộ, đồng thời có rà soát, sắp xếp lại các lĩnh vực ưu đãi và địa bàn ưu đãi thuế nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ... 

Thứ hai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Thứ ba, quy định nguyên tắc và điều kiện ưu đãi thuế TNDN, trong đó bổ sung quy định để xử lý mối tương quan giữa Luật thuế TNDN với các Luật chuyên ngành khác; sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp hay kinh doanh sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; nguyên tắc tính thời gian ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như về thời điểm áp dụng thuế suất ưu đãi, thời điểm tính thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế của các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đối với dự án ứng dụng công nghệ cao...