Tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Nhằm tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Lãnh đạo sở Tài chính, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan cập nhật tình hình cung - cầu, giá cả thị trường trong nước, để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết...
Chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2025
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Chỉ thị nêu rõ: Năm 2025, tiếp tục có nhiều yếu tố biến động khó lường của thị trường thế giới, do tác động từ các xung đột chính trị, thiên tai, dịch bệnh và việc các quốc gia ngày càng có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước, ảnh hưởng đến cung - cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ diễn biến phức tạp.
Nhằm tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Lãnh đạo sở Tài chính, Thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Đồng thời, thực hiện cập nhật tình hình cung - cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết.
Các đơn vị tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế.
Giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý giá, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, thị trường giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn. Kịp thời tham mưu trình Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt hàng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.
Cục Quản lý giá đẩy mạnh thực hiện công tác tổng hợp thông tin, phân tích dự báo diễn biến giá cả thị trường; chủ động xây dựng kịch bản điều giá năm 2025 và tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp. Kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.
Bộ trưởng đề nghị các sở tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu UBND tỉnh theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong, sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách...
Cùng với đó, Lãnh đạo các sở tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện theo thẩm quyền công tác niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định...
Tăng cường phối hợp quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường
Bên cạnh các nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc Bộ đóng tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với sở tài chính và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.
Đối với các cục hải quan, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tăng cường quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.
Cục dự trữ nhà nước khu vực xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cứu đói cho người dân trong thời gian giáp hạt và dịp Tết Nguyên đán, các vùng bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.
Cục thuế các địa phương rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; quản lý việc kê khai thuế, nộp thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định. Tăng cường kiểm tra phát hiện, ngăn chặn việc đóng thuế, gian lận thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá.
Bộ trưởng cũng yêu cầu kho bạc nhà nước địa phương chỉ đạo công chức làm công tác kiểm soát chi nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ gây phiền hà, sách nhiễu, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư; kiên quyết từ chối thanh toán các trường hợp không đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật...
Ngoài ra, Người đứng đầu ngành Tài chính cũng giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và sở tài chính, cục thuế, cục hải quan, cục dự trữ nhà nước khu vực, kho bạc nhà nước địa phương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này về Cục Quản lý giá trước ngày 23/01/2025.
Giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý giá, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, thị trường giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn. Kịp thời tham mưu trình Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt hàng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.