Những bất cập trong xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ

Nguyễn Thị Huệ - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị

Thực thi các biện pháp kiểm soát đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ được pháp luật Việt Nam quy định khá chi tiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới giữa pháp luật Việt Nam với các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên, giữa Luật Sở hữu trí tuệ với Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất, làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, khó khăn trong xử lý các hành vi vi phạm. Bài viết đưa ra những bất cập và kiến nghị một số đề xuất giải quyết thực trạng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các quy định thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa thống nhất

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) khi hội nhập, tuy nhiên, các quy định liên quan đến thực thi quyền SHTT tại biên giới giữa pháp luật Việt Nam với các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên, giữa Luật SHTT với Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động này. Cụ thể:

Thứ nhất, Điều 200.4. Luật SHTT quy định “Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu (XNK) liên quan đến SHTT thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan”. Từ Điều 73 đến Điều 76 Luật Hải quan 2014 và Thông tư 13/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT cũng quy định cụ thể về các biện pháp thực thi quyền SHTT tại biên giới. Theo đó, các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT bao gồm: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT; Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Như vậy, Luật SHTT và Luật Hải quan 2014 đều quy định việc kiểm soát cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu có liên quan đến SHTT thuộc thẩm quyền của cơ quan Hải quan.

Tuy nhiên, tại Điều 15.4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chỉ quy định cơ quan Hải quan có thẩm quyền xử phạt trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa; pháp luật hải quan cũng chưa quy định về quy trình xử lý đối với trường hợp này. Do đó, khi phát sinh vụ việc xâm phạm quyền SHTT, cơ quan Hải quan địa phương lúng túng trong khâu xử lý và đa số phải xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Điển hình là vụ xuất khẩu 1.200 thùng Bánh ChocoPie 168, 336 trị giá khoảng 600 triệu đồng của Công ty TNHH chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên do Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I TP. Hồ Chí Minh ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan ngày 13/01/2016.

Viện Khoa học SHTT đã có kết luận có yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký số 1695; 23610; 29923 của Orion Corporation, nhưng do pháp luật giới hạn về thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, nên Hải quan TP. Hồ Chí Minh có văn bản xin ý kiến của Tổng cục Hải quan theo hai hướng: (1) Cục không lập biên bản mà báo cáo vụ việc đến UBND Thành phố để chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra xử lý hoặc (2) Cục lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan rồi chuyển UBND Thành phố xử lý theo thẩm quyền.

Quy định tại Điều 59.1 Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) quy định “Với điều kiện không làm ảnh hưởng tới các quyền khiếu kiện dành cho chủ thể quyền và quyền của bị đơn được yêu cầu cơ quan xét xử xem xét lại vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền phải có quyền ra lệnh tiêu huỷ hoặc xử lý hàng hoá xâm phạm”; Điều 18.76.6 Hiệp định TPP quy định “Trường hợp một Bên nào đó quy định các thủ tục hành chính để xác định hành vi xâm phạm, Bên đó cũng phải cho phép cơ quan chức năng của mình có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt hay chế tài đối với vi phạm bao gồm, các khoản tiền phạt hoặc tịch thu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT sau khi xác nhận hàng hóa đó vi phạm quyền SHTT”.

Như vậy, pháp luật Việt Nam về SHTT là chưa đáp ứng yêu cầu về trao quyền xử lý hàng hoá xâm phạm quyền SHTT cho cơ quan chức năng có thẩm quyền theo Điều 59.1 Hiệp định TRIPs và Điều 8.76.6 Hiệp định TPP. Pháp luật Việt Nam quy định việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan nhưng lại không giao quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu cho cơ quan này. Điều đó, gây khó khăn cho cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan khi phát hiện, xử lý hàng hóa xuất khẩu xâm phạm quyền SHTT.

Thứ hai, về bảo quản hàng hóa XNK nghi ngờ vi phạm quyền SHTT trong thời gian chờ xác định tình trạng pháp lý của hàng hóa hoặc khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra: Điều 53.2 Hiệp định TRIPs cho phép, tạm giải phóng hàng có lưu mẫu tại cơ quan Hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo quản chất lượng hàng hóa, giảm thiểu các chi phí lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa XNK trong thời gian chờ kết luận có hay không dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Trên thực tế Hải quan các địa phương cũng đã phải mất nhiều thời gian, để gửi hồ sơ giám định hoặc/và tham gia ý kiến chuyên môn để xác định có hay không dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT làm căn cứ ra quyết định giải quyết vụ việc, theo đó hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm quyền SHTT đã phải lưu bãi dài ngày, có khi đến gần cả năm.

Đơn cử, vụ việc nhập khẩu lô hàng giấy nhám dùng cho gỗ mang nhãn hiệu SANKYO của Công ty TNHH Gia Phú bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT nhãn hiệu SANKYO của hãng Snkyo Rikagaku Co.LTD bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I tạm dừng làm thủ tục hải quan theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH SHTT Winco. Thời gian giải quyết vụ việc kéo dài từ 28/10/2014 đến 14/4/2015 vẫn còn tiếp tục khiếu kiện. Trong trường hợp tương tự, cơ quan Hải quan địa phương muốn lưu mẫu và giải quyết cho người XNK đưa hàng về bảo quản nhằm giảm thiểu các chi phí lưu kho, lưu bãi, bảo quản chất lượng hàng hóa, giảm thiểu công việc cho cơ quan Hải quan trong điều kiện biên chế ít, hàng hóa XNK ngày một gia tăng, kho bãi ở nhiều địa phương chật hẹp không đáp ứng nhu cầu nhưng hiện nay pháp luật Hải quan chưa có quy định đối với trường hợp này.

Để nâng cao hiệu quả thực thi các biện pháp kiểm soát

Hành vi xâm phạm quyền SHTT trong hoạt động XNK hàng hóa ngày một gia tăng, trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên là yêu cầu nghiệp vụ cấp thiết được đặt ra đối với toàn ngành Hải quan. Để nâng cao hiệu quả thực thi các biện pháp kiểm soát hàng hóa XNK liên quan đến SHTT, khi hoàn thiện hệ thống pháp luật cần phải lưu ý các nội dung sau:

Một là, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền áp dụng các biện pháp thực thi quyền SHTT đối với hàng hóa XNK, đồng thời với thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền trong phạm vi tương ứng, đảm bảo tính tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia (vấn đề thực thi cơ bản phải phù hợp với Hiệp định TRIPs, Hiệp định TPP). Theo đó, pháp luật Việt Nam nên thống nhất quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan trong thực thi các biện pháp kiểm soát hàng hóa XNK liên quan đến SHTT qua biên giới, thống nhất với thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, sau khi xác nhận hàng hóa đó vi phạm quyền SHTT.

Hai là, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động nghiệp vụ của cơ quan hải quan trong thời kỳ hội nhập; đồng thời, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bảo quản hàng hóa XNK trong thời gian chờ các cơ quan chức năng giám định, xem xét có hay không hành vi xâm phạm quyền, pháp luật nên quy định vấn đề lưu mẫu và giải quyết cho người XNK đưa hàng về bảo quản. Quy định về lưu mẫu phải thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo tính khách quan, chính xác; người XNK tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc vận chuyển, bảo quản nguyên trạng hàng hóa đến khi có kết luận chính thức của cơ quan hải quan. Quy định này đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu các chi phí lưu kho, lưu bãi, bảo quản chất lượng hàng hóa XNK; đồng thời, loại bỏ được trách nhiệm của cơ quan hải quan trong thời gian giám sát lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan trong điều kiện biên chế ít, công việc gia tăng.

Tài liệu tham khảo:

1. Công văn 635/HQHCM-CBLXL ngày 21/3/2016 về vướng mắc trong lĩnh vực SHTT đối với hàng xuất khẩu của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh;

2. Công văn 2334/HQHCM-CBLXL ngày 27/8/2015 v/v vướng mắc giải quyết khiếu nại lần 2 của Công ty TNHH SHTT Winco của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh;

3. Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property rights - TRIPs).