Những chia sẻ về bảo hiểm nông nghiệp
(Tài chính) Sau hơn một năm triển khai thí điểm, đến nay, bảo hiểm nông nghiệp đã thu hút được 160.787 hộ nông dân tham gia. Bảo hiểm nông nghiệp đang từng bước đi vào đời sống, trở thành tấm lá chắn cho người nông dân trước những rủi ro, biến động trong sản xuất – kinh doanh nông nghiệp. Tạp chí Tài chính xin lược trích những ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) và người dân.
Tạo ra công cụ dự phòng ưu việt cho nông nghiệp
Bảo hiểm nông nghiệp là một trong những chính sách ưu tiên, nhằm tạo ra một công cụ dự phòng rủi ro ưu việt trong điều kiện ngành nông nghiệp nước ta nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhưng dự phòng rủi ro của người nông dân lại mỏng… Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp chưa đồng đều giữa các địa phương. Số hộ dân tham gia chưa nhiều, diện tích tham gia bảo hiểm chưa lớn, số lượng vật nuôi thủy sản tham gia bảo hiểm chiếm tỷ lệ thấp… Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, tới đây, các DN tiếp tục nỗ lực và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy chương trình. Tuy đây là một lĩnh vực phi lợi nhuận, nhưng về lâu dài sẽ là cơ hội cho các DN bảo hiểm phát triển các loại công cụ tài chính vi mô, cơ hội để các DN mở rộng thị trường, phát triển đưa vào thị trường các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp khác.
(Phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tháng 7/2012)
Ông Hà Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc:
Chủ trương đúng đắn, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân
Sau 1 năm triển khai Quyết định số 315 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được tiến hành đồng bộ với sự phối hợp thống nhất từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, xã, công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc và các cơ quan thông tin đại chúng. Đến hết tháng 8/2012, có 1.412 hộ dân đã tham gia hợp đồng bảo hiểm với tổng trị giá gần 70 tỷ đồng. Việc chi trả, bồi thường tổn thất cho các hộ tham gia bảo hiểm được thực hiện theo quy định, giúp người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản suất... Thực tiễn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được triển khai tại Vĩnh Phúc cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ nhằm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Christopher Coe, Giám đốc Tư vấn tái bảo hiểm nông nghiệp Đông Nam Á của Aon Benfield:
Giúp ổn định tài chính cho người dân và đào tạo cho họ kỹ năng quản lý rủi ro tốt hơn
Việt Nam hiện đối mặt không ít thách thức để xây dựng một chương trình bảo hiểm nông nghiệp thành công. Trong đó, phải kể đến tâm lý người nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động tham gia bảo hiểm gặp khó; sự phân tán của những đối tượng được bảo hiểm trên toàn quốc cũng gây khó cho việc thu phí và chi trả bồi thường… Việt Nam cần đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp vì thiên tai, bão lũ có thể gây thiệt hại lớn cho vật nuôi và thủy sản cũng như giá thành sản xuất của sản lượng lúa nước… Ở tầm vĩ mô, chương trình bảo hiểm nông nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích, ví dụ như cung cấp nguồn vốn và chuyên môn quốc tế bằng cách hợp tác với các tập đoàn tái bảo hiểm trên thế giới; giúp Chính phủ bảo đảm sự ổn định của ngân sách quốc gia, giải phóng nguồn vốn địa phương để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng khác. Với người nông dân, cần phải làm cho người dân hiểu rằng, ý nghĩa thiết thực và lớn lao sẽ nằm ngay ở việc mang lại sự ổn định tài chính nhất định cho họ, đồng thời góp phần đào tạo người nông dân những kỹ năng canh tác và quản lý rủi ro tốt hơn.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính):
Bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục sản xuất
Bảo hiểm nông nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục sản xuất nông nghiệp cho người nông dân không may bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Qua quá trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp rộng khắp trên 20 tỉnh thành trên cả 3 lĩnh vực cây lúa, vật nuôi và thủy sản, phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện như doanh thu bảo hiểm về cây lúa, vật nuôi, bồi thường bảo hiểm thủy sản. Tới đây, cần triển khai hai nội dung với bảo hiểm nông nghiệp, đó là: Thứ nhất, xây dựng bản đồ đánh giá tác động rủi ro thiên tai để trả lời chính xác cho bà con nông dân, chính quyền địa phương; Thứ hai, mức phí bảo hiểm nông nghiệp được các DN đưa ra như thế nào và mức phí đã có tính khách quan hay chưa.
Ông Phan Bá Trung, Giám đốc Công ty Bảo Việt Nghệ An:
Tổ chức trên 155 cuộc hội thảo, tập huấn phục vụ bảo hiểm nông nghiệp
Tới nay, Công ty đã xây dựng xong phần mềm thống kế, in giấy chứng nhận bảo hiểm và tổ chức trên 155 cuộc hội thảo, tập huẩn để phục vụ cho công tác bảo hiểm nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, với nỗ lực tham gia công tác thí điểm một cách hiệu quả nhất, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản, biểu mẫu, cơ chế chính sách, công tác tuyên truyền, nâng cao nhân thức... để đảm bảo người nông dân hiểu và chủ động bảo vệ mình với bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Nông dân tham gia bảo hiểm nuôi cá tra huyện Tiểu Cần (Trà Vinh):
Sẽ vận động các hộ nuôi cá tra tham gia bảo hiểm nông nghiệp
Tình hình phát triển nuôi cá tra của nông dân hiện nay luôn bấp bênh do lệ thuộc vào giá đầu vào, đầu ra của sản phẩm, trong khi thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến người nuôi gặp rất nhiều khó khăn, vì nếu bị thiệt hại thì sẽ không có vốn để tái sản xuất. Việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với thuỷ sản đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân. Khi tham gia thí điểm bảo hiểm, nếu chẳng may bị thiệt hại thì người nông dân sẽ nhận được bồi thường và nhanh chóng phục hồi sản xuất… Mặt khác, khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp, gia đình tôi đã được hướng dẫn làm các thủ tục dễ dàng, được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm và được hỗ trợ khi dịch bệnh xảy ra, gia đình tôi rất mừng vì đã có tiền để đầu tư cho vụ nuôi mới. Tôi sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm nông nghiệp và sẽ vận động các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tham gia đầy đủ.