Những chính sách quan trọng vừa được ban hành
(Tài chính) Phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines, quy định mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô, tăng cường quản lý xuất khẩu gạo và tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ là những văn bản mới vừa được Chính phủ và Thủ tướng ban hành.
Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam airlines) sau cổ phần hóa có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.
Vietnam Airlines kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Về hình thức cổ phần hóa, giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vietnam Airlines có vốn điều lệ 14.101,84 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 1.410.184.000 cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó nhà nước giữ 1.057.638.000 cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; 20.795.100 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp, chiếm 1,475% vốn điều lệ; 705.092 cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn, chiếm 0,05% vốn điều lệ; 282.036.800 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 20% vốn điều lệ; 49.009.008 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 3,475% vốn điều lệ.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để bán cổ phần, chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Vietnam Airlines trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines là Bộ Giao thông vận tải.
Tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 10.180 người và toàn bộ số lao động này tiếp tục làm việc tại Công ty cổ phần.
Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô
Nghị định quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; xe ô tô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật, phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Nhân viên phục vụ trên xe vận tải khách du lịch còn phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch theo quy định của pháp luật liên quan về du lịch...
Đồng thời, đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe; phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông...
Báo cáo Sở Giao thông vận tải thông tin cơ bản của chuyến đi
Quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, Nghị định nêu rõ, từ ngày 1/7/2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải hành khách hoặc hợp đồng lữ hành, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, từ ngày 1/7/2016, xe taxi cũng phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.
Ô tô chuyển đổi công năng không được chở khách du lịch
Về niên hạn sử dụng, Nghị định quy định xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300 km phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở người và từ ngày 1/1/2016 không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng. Đối với cự ly từ 300 km trở xuống thì niên hạn không quá 20 năm đối với ô tô sản xuất để chở người; không quá 17 năm đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 1/1/2002 từ các loại xe khác thành xe ô tô chở khách.
Nghị định cũng quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.
Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ô tô chuyển đổi công năng không được vận tải khách du lịch.
Ngoài ra, Nghị định nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn khi kinh doanh loại hình vận tải không đúng theo Giấy phép kinh doanh; trong thời gian 1 năm có trên 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng; trong thời gian 3 năm có tái phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...
Tăng cường quản lý xuất khẩu gạo
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có một số ý kiến chỉ đạo về công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan nắm chắc tình hình xuất khẩu, nhập khẩu thóc gạo qua biên giới (nhất là biên giới phía Bắc với Trung Quốc và biên giới phía Nam với Campuchia).
Bộ Công Thương cũng được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) rà soát các quy định (kể cả các tiêu chí cụ thể chỉ định thương nhân thực hiện hợp đồng tập trung), các thỏa thuận đã ký để chủ động điều chỉnh cơ chế cho phù hợp nhằm tổ chức lại các thị trường tập trung, bảo đảm khai thác tốt thị trường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh biên giới liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ, không để thóc, gạo xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới nhưng không được khai báo, thống kê đầy đủ theo quy định; định kỳ hàng tháng gửi báo cáo đến Bộ Công Thương để tổng hợp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa theo dõi sát tình hình sản xuất, sản lượng, thu hoạch trên địa bàn; định kỳ hàng tháng gửi báo cáo về các Bộ.
Về đầu mối thị trường tập trung, trước mắt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng Tổng công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, In-đô-nê-xia và Malaysia như đề nghị của các Bộ và VFA.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ
Kết luận tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Nội vụ ngày 5/9/2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ hướng dẫn, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương xác định vị trí việc làm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm. Đề xuất, triển khai các giải pháp đột phá trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nội vụ tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, nâng ngạch, nâng hạng công chức, viên chức, bảo đảm công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thi tuyển. Áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực.
Đồng thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; kiên quyết loại bỏ những hành vi ứng xử thiếu lành mạnh như uống rượu, bia làm ảnh hưởng tới công việc; hút thuốc lá không đúng nơi quy định; trang phục không phù hợp với môi trường làm việc; thiếu văn hóa trong giao tiếp với người dân và đồng nghiệp.
Bên cạnh đó tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 34/CT-TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng. Đề cao trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ, chủ động phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền cải cách hành chính. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, rà soát, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện.
Bộ Nội vụ cần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; tăng cường vai trò và đẩy mạnh hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo để đề xuất, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính.