Những con số lạc quan trong bức tranh “màu xám”

Theo Ý Nhi/doanhnhansaigon.vn

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến doanh thu liên tục giảm trong hai quý qua. Tuy nhiên, trong bức tranh màu xám, vẫn có một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng do chiến lược kinh doanh hợp lý và được điều chỉnh kịp thời.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo mới đây của TAC, doanh thu thuần tháng 7/2020 của công ty này đạt 425,9 tỷ đồng, tăng 40,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 27,03 tỷ đồng, tăng 231,9% so với cùng kỳ năm 2019. TAC cho biết, do lĩnh vực kinh doanh nằm trong ngành thực phẩm thiết yếu, nên ngay khi bùng phát dịch Covid-19 trở lại tại Việt Nam, công ty đã đẩy nhanh hoạt động sản xuất, đưa hàng ra các kênh phân phối để có đủ hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng.

Đồng thời, TAC tích cực kết nối với các đơn vị được phép phục vụ các sản phẩm thiết yếu để cung cấp sản phẩm cho người dân ở các khu vực nóng của dịch, đang thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội. TAC cũng đã đưa ra thị trường sản phẩm Cooking Nutri Plus tăng cường sức đề kháng, đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe của người dân.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần TAC đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 30,01% so với năm 2019. Tương ứng với mức tăng doanh thu, lợi nhuận gộp 7 tháng đầu năm 2020 là 372,8 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2019. Song song đó, việc tiếp tục tái cấu trúc nhằm tối đa hóa hiệu quả và kiểm soát chi phí trong quản lý giúp lợi nhuận trước thuế 7 tháng đầu năm 2020 đạt 111,9 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn, làm giá dầu biến động phức tạp và khó dự đoán. TAC cho biết sẽ luôn theo dõi diễn biến của thị trường, tìm kiếm nguồn cung để đảm bảo sản xuất. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào những sản phẩm dinh dưỡng, khai thác hiệu quả công tác bán hàng ở các kênh, nhất là kênh hiện đại để tiếp tục mở rộng thị phần tại Việt Nam. Trên thị trường chứng khoán, từ đầu năm 2020 tới nay, giá cổ phiếu TAC đã tăng gần 50%, hiện giao dịch ở mức trên 36.000 đồng/cp.

Tương tự, Công ty CP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods-KDF) cũng cho biết, doanh thu trong tháng 7/2020 của KIDO Foods đạt 158 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 7 tháng đầu năm đạt 832 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt được mức tăng 21% và hoàn thành 94% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ sau 7 tháng.

Theo KIDO Foods, doanh thu của doanh nghiệp giảm là do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 khiến nhu cầu mua giảm. Nhưng công ty đã thực thi nhiều biện pháp để thúc đẩy doanh số như chuyển dịch kênh phân phối, linh động mang sản phẩm về gần với người tiêu dùng, rút tủ từ kênh KA, các điểm du lịch, căn tin… qua đó cải thiện được sức mua và lợi nhuận tăng cao.

Bên cạnh đó, nắm bắt được xu hướng thị trường và trào lưu ăn vặt của giới trẻ, KIDO Foods tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền kem đùn, bổ sung thêm tủ mới, chú trọng phát triển dòng sản phẩm cốt lõi là những sản phẩm cao cấp có lợi nhuận cao. Đồmg thời, công ty tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm cao cấp phù hợp với xu hướng giới trẻ hiện nay. Trong quý II, KDF cho biết đã tung ra hai sản phẩm Celano sữa tươi trân châu đường đen và Merino dâu rất được người tiêu dùng đón nhận.

Trước đó trong nửa đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của KIDO Foods đạt 142 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt trên 71% kế hoạch cả năm mà Đại hội đồng cổ đông 2020 đặt ra là 200 tỷ đồng.

Trong khi TAC và KDF lạc quan thì  theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Lộc Trời Group - LTG  chỉ đạt 2.200 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của LTG, doanh thu thuần mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 53% so với cùng kỳ nhưng đây là mức giảm thấp nhất so với mức giảm chung của các công ty cùng ngành, từ 50-70%. Theo LTG nhận định, có ba nguyên nhân sụt giảm của toàn thị trường là do giá nông sản giảm từ 10-15% nên nông dân giảm đầu tư. Thứ hai là do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn, diện tích canh tác vụ hè thu giảm. Thứ ba, thời tiết tương đối thuận lợi, ít dịch bệnh sâu hại nên lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật giảm. 

Đơn vị này cũng cho biết thêm, cũng từ quý II/2020, mô hình bán hàng không công nợ đã bắt đầu được hệ thống phân phối chấp nhận với doanh thu ngành quý II đạt 943 tỷ, xấp xỉ 75% so với ngân sách. Với chính sách bán hàng thu tiền mặt, tính từ ngày 30/6/2020, khoản phải thu của ngành vật tư nông nghiệp của LTG chỉ còn 652 tỷ, giảm hơn 1,657 tỷ so với cùng kỳ 2019 là 2,309 tỷ. Chính sách này đã khiến chi phí lãi vay giảm đáng kể, không phát sinh thêm nợ xấu và các chỉ số tài chính an toàn hơn.

Tương tự, ngành giống và lương thực doanh thu cũng giảm do phần xuất khẩu gặp khó khăn trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 và hệ thống bán hàng nội địa chưa hoàn chỉnh, trong khi biên độ lợi nhuận tăng dẫn đến số lỗ toàn ngành đã giảm so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng tồn kho giảm hơn 55% so với cùng kỳ và chất lượng lúa gạo tồn kho ở vùng an toàn do thời gian lưu kho dưới 6 tháng. 

Tuy nhiên, công ty này cũng cho hay, lợi nhuận trước khấu hao và lãi vay đạt 8 tỷ so với cùng kỳ 2019 lỗ 23 tỷ. Đây là tín hiệu cho thấy mô hình kinh doanh điều hành theo việc mua không quá giá trần, bán không dưới giá sàn và hạch toán theo từng lô bước đầu phát huy hiệu quả. 

Để tháo gỡ khó khăn, LTG cho biết trong 6 tháng qua, LTG đã và đang từng bước thực hiện việc chuyển hướng để trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp, Công ty đang phối hợp với các đối tác để mở rộng độ phủ của ngành về rau ôn đới, rau nhiệt đới, bắp ăn và bắp dùng làm nguyên liệu thức ăn gia súc, các giống lai phù hợp với canh tác.  

Riêng mảng dịch vụ nông nghiệp, LTG đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như sử dụng các thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc, số hóa nông nghiệp  để quản lý mùa vụ, tính toán hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, định danh vùng trồng, thành lập Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời để chuyên nghiệp hóa công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và thực hiện liên kết hình thành hợp tác xã tại địa phương, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản bền vững.

Đây cũng là cách giúp cho bà con nông dân giải quyết được những khó khăn trong khâu kỹ thuật sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định không còn lệ thuộc, chèn ép bởi các thương lái. Ngoài ra LTG cũng phối hợp với các tổ chức tín dụng, cung cấp tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp thông qua hợp tác xã và hệ thống phân phối với lãi suất 0% theo từng vụ mùa.