Những dấu ấn kinh doanh nổi bật trong năm "bão dịch" 2021
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng không vì thế mà không gặt hái một số thành quả vượt cả mong đợi. VnBusiness điểm lại những dấu ấn kinh doanh nổi bật trong năm 2021.
1.Tăng trưởng xuất khẩu đạt 19%
Trước nhiều lo ngại xuất khẩu (XK) có thể hụt hơi do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19, tuy nhiên, điều ấn tượng nhất chính là hoạt động XK của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng cao với kim ngạch XK hàng hoá cả năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
|
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch XK 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%.
Năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 8 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Ngoài ra, năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước.
Nổi bật trong các nhóm hàng XK vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước chính là XK nông lâm thuỷ sản với kỷ lục chưa từng có khi thu về 48,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng 14,9% so với năm 2020.
2.Ấn tượng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán
Bất chấp đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia. Tính bình quân, giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm 17/12/2021 đạt 26.211 tỷ đồng/phiên, mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường.
Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12/11/2021 (tính theo GDP năm 2020). Theo Tổng cục Thống kê, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm trước.
Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu, trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới chỉ đạt 2,77 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng cao gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020. Năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.
Năm 2021 cũng là năm đạt kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết. So với năm 2019 và 2020, con số này gấp tương ứng 1,4 và hơn 5 lần.
3. Bất chấp COVID-19, hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn sôi động
Nổi bật trong hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm 2021 bất chấp mức độ hoành hành của đại dịch COVID-19 chính là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội.
Tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên khi có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước.
Các địa bàn diễn ra M&A là 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. Có những thời điểm trong năm 2021 khi tham gia vào M&A có đến 49% là doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và là dấu ấn rất quan trọng.
Trong năm 2021 đã ghi nhận nhiều thương vụ M&A diễn ra thành công, tăng cao so với năm 2020. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2021, theo số liệu của KPMG Việt Nam, thị trường M&A tại Việt Nam đã thu hút 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm 2019.
Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính. Những thương vụ lớn có thể kể đến như như Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui đầu tư 1,3 tỷ USD vào FE Credit; Quỹ SK South East Asia đầu tư 410 triệu USD vào Vincommerce, hay Baring và Alibaba rót 400 triệu USD vào The CrownX của Masan Group (Việt Nam).
4.Chuyển đổi số lan toả sâu rộng
Năm 2021 được ghi nhận là năm có hoạt động chuyển đổi số sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong một năm hứng chịu đại dịch, doanh nghiệp Việt ngày càng nhận thức được rằng chuyển đổi số là con đường duy nhất để tăng cường hiệu suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đồng thời khắc phục được những rào cản do dịch bệnh gây ngăn trở.
Tính đến hết tháng 11/2021, cả nước có hơn 16.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chuyển đổi số. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.
Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt trên 135 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%. Các doanh nghiệp công nghệ số đang được xem là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số.
5. Năm “ăn lên làm ra” của thương mại điện tử
Trước mức độ bùng phát mạnh dịch COVID-19 như năm 2021, kênh mua sắm online đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với những loại hàng hóa thiết yếu. Ngoài những sàn thương mại điện tử lớn, các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn nhỏ tại các đô thị lớn ở Việt Nam đã mở ra đa kênh, như bán hàng qua website, ứng dụng cho tới qua điện thoại.
Dịch COVID-19 được ví như “chất xúc tác” giúp thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2021. Các sàn bán hàng trực tuyến liên tục ghi nhận sức mua tăng cao.
Trong giai đoạn “đỉnh dịch” của năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%. Điều này được cho là hiếm có nước nào trong khu vực Đông Nam Á đạt được, khi thương mại điện tử tăng trưởng 2 con số trong đại dịch.
Chỉ tính riêng tổng số lượt truy cập vào top 50 website mua sắm trong bản đồ thương mại điện tử Việt Nam trong nửa đầu của năm 2021 đã đạt hơn 1,3 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay.
Báo cáo e-Conomy SEA 2021 được Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây cho biết thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 13 tỷ USD trong năm nay.
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết đến nay, hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử.
6. Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt tăng cao
Xét về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, năm 2021 lại là một năm có sức tăng trưởng tốt. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021 có 61 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 409,1 triệu USD, tăng 28,6% so với năm trước.
Do tháng 12/2021, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã điều chỉnh vốn giảm 1,2 tỷ USD của dự án thăm dò phát triển và khai thác dầu khí tại Nga. Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) năm 2021 đạt 828,7 triệu USD.
Có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm gần 427,76 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.
Lý do vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh là có dự án của Vingroup tại Mỹ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 1 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Dẫn đầu trong 22 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam là Mỹ với 3 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 305,3 triệu USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 89,4 triệu USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Israel, Lào… với vốn đầu tư đạt gần 66,6 triệu USD và trên 47,8 triệu USD.
7. Vượt dự toán thu ngân sách trong bối cảnh đại dịch
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng), trong đó thu nội địa bằng 110,4% so với dự toán năm (tăng gần 118 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô bằng 197,4% (tăng 22,6 nghìn tỷ đồng); thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 122,1% (tăng 39,5 nghìn tỷ đồng).
Trong năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng.
Có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 và có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Kết quả ấn tượng này đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn về tài chính ngân sách.
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Theo đó, đến này 31/10/2021, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn cho hơn 139.000 người nộp thuế với tổng số thuế đã gia hạn khoảng 78.840 tỷ đồng.
8. Duy trì tốt tăng trưởng tín dụng
Trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 12,97%. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, đến 20/12/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng cũng miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.