Những dấu ấn nổi bật của ngành Bảo hiểm Xã hội
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội đã đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện. Đặc biệt là năm 2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục có sự tăng trưởng và đạt 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là bước đột phá ấn tượng, tạo động lực cho toàn Ngành phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2019.
Những kết quả ấn tượng
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, năm 2018, với sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, ngành BHXH tiếp tục đạt những kết quả ấn tượng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Ước tính năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về Quỹ BHXH, Quỹ BHYT cũng không ngừng tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, bằng 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.
Đáng chú ý, cơ quan BHXH các cấp luôn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật. Năm qua, cơ quan BHXH các cấp đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 177 triệu lượt người; chi trả cho 122.843 người hưởng BHXH hàng tháng; chi trả 810.033 người hưởng trợ cấp một lần...
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý khác, trong năm qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo cuộc sống, sức khỏe cho gần 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng. Những con số này cho thấy, các vấn đề của BHXH, BHYT đang ngày càng trở nên thiết thực với mỗi người, mỗi nhà.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH tiếp tục có bước tiến vượt bậc. Năm 2018, thời gian nộp BHXH của doanh nghiệp đã giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm; giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục.
Đạt được kết quả ấn tượng trên là do ngành BHXH đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ…
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá
Theo mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW, đến năm 2021, toàn quốc có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt khoảng 80%.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Đào Việt Ánh cho rằng, ngành BHXH tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để mở rộng tỷ lệ bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn.
Năm 2019, cơ quan BHXH sẽ triển khai thí điểm việc cấp thẻ BHYT điện tử ở một số địa phương nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh, thời gian giám định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT.
Cùng với đó, Ngành sẽ phải tập trung triển khai 8 dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin gồm: Chăm sóc hỗ trợ khách hàng; ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng trang fanpage của ngành BHXH; xây dựng chuyên trang hỗ trợ người dân, tổ chức và doanh nghiệp; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; thanh toán điện tử; ứng dụng qua di động và qua tin nhắn thương hiệu.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; chú trọng phân loại, phân nhóm địa phương để giao chỉ tiêu phù hợp; Tổ chức rà soát, đối chiếu dữ liệu tham gia BHXH, BHYT với dữ liệu của ngành thuế để có giải pháp thu đúng, thu đủ BHXH, BHYT; tổ chức thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng BHXH đối với ít nhất 50% số đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Đồng thời, kiên quyết xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với đơn vị cố tình vi phạm theo quy định pháp luật.