Những diễn biến nổi bật của nền kinh tế thế giới tháng 7/2016

PV.

Trong báo cáo mới công bố về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã đưa ra nhiều sự kiện nổi bật của nền kinh tế thế giới tháng 7 vừa qua trên nhiều mặt: chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ, giá hàng hóa...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới (tháng 7/2016), IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với các dự báo trước đó (tháng 4/2016 và tháng 1/2016).

Theo đó, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2016 và 3,4% năm 2017, giảm 0,1 điểm% so với dự báo hồi tháng 4/2016. Nguyên nhân do nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với sự bất ổn do tác động tiêu cực của Brexit.

Brexit sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Anh

Trong khi Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt hạ mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng kinh tế Anh do Brexit, tổng giám đốc IMF cảnh báo, nếu là phi thành viên EU, GDP của Anh có thể sẽ bị tổn thất từ 1,5% đến 4,5% so với khi nước này vẫn còn trong EU.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục (0,5%), đồng thời sẽ chưa đưa ra thay đổi nào đối với chương trình nới lỏng định lượng cho tới khi có thể đánh giá được đầy đủ những tác động của Brexit đối với nền kinh tế Anh.

Triển vọng FED tăng lãi suất trong năm 2016 chưa thực sự rõ ràng

Dù nền kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu hồi phục trong quý II/2016 với nhu cầu nội địa và lạm phát ngày càng tăng vững hơn, nhưng FED vẫn đang tỏ ra rất thận trọng với những tác động tiêu cực có thể xảy ra của Brexit.

ECB quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành

Trong cuộc họp ngày 21/7, Hội đồng ECB đã nhất trí không thay đổi lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi ở mức âm 0,4%, cũng như lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục 0%.

Về chương trình QE đưa ra hồi tháng 3 vừa qua, ECB khẳng định nếu cần thiết sẽ tiếp tục mua lượng trái phiếu trị giá 88 tỷ USD hàng tháng cho tới ít nhất là cuối tháng 3/2017. Kể từ tháng 12/2015 đến nay, ECB đã "bơm" 1.500 tỷ euro để kích thích kinh tế.

NHTW Trung Quốc tiếp tục can thiệp nhằm bình ổn thị trường nội địa

Trong tuần đầu tháng 7, bằng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, PBoC đã rút ròng 645 tỷ NDT (96,5 tỷ USD) khỏi hệ thống tài chính. Động thái này được đưa ra sau 3 tuần liên tiếp PBoC bơm 625 tỷ USD vào thị trường để đáp ứng cầu thanh khoản.

Theo HSBC, PBoC có thể sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đối phó với Brexit. Bên cạnh đó, PBoC cũng quyết định hạ tỷ giá tham chiếu (giảm 0,16% xuống 6,6987 NDT/USD)xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010 trước xu hướng tăng giá của đồng USD.

Chứng khoán thế giới tăng điểm

Chứng khoán thế giới tháng 7 tăng điểm nhờ những thông tin tích cực đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ và khả năng các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng được thi hành là những thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán toàn cầu.

Tính đến ngày 25/07/2016, hầu như tất cả các chỉ số chứng khoán lớn như Dow Jones, NASDAQ và S&P 500 của Mỹ, FTSE 100 (Anh), DAX (Đức) và CAC (Pháp) đều tăng điểm so với cuối tháng trước.

Giá dầu thô dao động mạnh

Sau khi phục hồi và chạm ngưỡng 50 USD/thùng vào đầu tháng 6, giá dầu đã quay trở lại quỹ đạo giảm giá bởi tình trạng dư nguồn cung trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 25/7, giá dầu WTI giao tháng 8 tại thị trường New York là 44,94 USD/thùng, giảm 9,8% so với đầu tháng 7/2016 và chỉ còn tăng 20,2% so với đầu năm 2016. Tuy nhiên, giá dầu thô trung bình của năm 2016 được dự báo ở mức 43,57 USD/thùng thấp hơn mức 48,67 USD/thùng của năm 2015.

Giá hàng hóa thế giới duy trì đà tăng giá

Trong đó, tăng mạnh nhất là giá năng lượng (tăng 4,93%), tiếp đến là lương thực (4,1%); nông sản (2,73%); giá kim loại cũng đã tăng nhẹ trở lại (tăng 0,33%); riêng giá nguyên liệu thô giảm -0,72% so với tháng trước.