Kho bạc Nhà nước:

Những kết quả đạt được từ thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ

Theo vst.mof.gov.vn

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong triển khai Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ, KBNN với chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động triển khai trong toàn hệ thống hàng loạt các giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Tọa đàm về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016
Tọa đàm về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016

Bước sang năm 2016, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, như:

Tình hình ngập úng, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và ô nhiễm, môi trường biển tại các tỉnh miền Trung; trong khi cơ chế chính sách liên quan đến quản lý tài chính nói chung và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng có nhiều thay đổi, điều chỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) đạt thấp.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2016, luỹ kế vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) giải ngân qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) chỉ đạt 91.390,9 tỷ đồng, bằng 29,4 % kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao cấp qua KBNN, thấp hơn nhiều cả về số tương đối và tuyệt đối so với cùng kỳ các năm 2013, 2014, 2015. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt thấp không chỉ giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, gây lãng phí vốn đầu tư của nhà nước, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, cũng như trong cả giai đoạn.

Đứng trước những khó khăn, thách thức có thể tác động lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết nhằm tổ chức, điều hành quản lý chi từ ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, như Chị thị số 22/CT-TTg ngày 03/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016.

Đặc biệt, ngày 8/7/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, nhằm phấn đấu đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, thể hiện qua một số nội dung lớn, như: Rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công...

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong triển khai Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ, KBNN với chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động triển khai trong toàn hệ thống hàng loạt các giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao như:

- Chỉ đạo KBNN tỉnh, thành phố chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 của từng dự án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, các cơ quan ban ngành và các chủ đầu tư tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc, nhất là những dự án chưa giải ngân, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%), dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời.

- Hàng tháng, KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện công khai tại trụ sở và thông báo số liệu giải ngân vốn đầu tư XDCB kế hoạch năm 2016 đến các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trên địa bàn để các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nắm được tình hình và có biện pháp đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư.

- Định kỳ hàng quý, KBNN các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đồng thời chỉ đạo KBNN cấp huyện nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư báo cáo KBNN tỉnh, thành phố. KBNN tỉnh, thành phố tổng hợp kết quả tọa đàm và những khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố đồng thời gửi KBNN Trung ương để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý.

- KBNN các cấp thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu giải ngân vốn đầu tư đối với từng dự án tính đến ngày 30/9/2016, hoặc theo yêu cầu của chủ đầu tư nhằm đảm bảo chính xác, kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo điều hành, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2016, đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương.

- Chỉ đạo, quán triệt công chức làm công tác kiểm soát chi nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện kiểm soát hồ sơ ngay khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến KBNN theo quy định; tuyệt đối không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; đảm bảo tuân thủ thời gian kiểm soát thanh toán tối đa không quá 04 ngày làm việc theo quy định đối với các dự án đủ điều kiện giải ngân.

- Chỉ đạo các KBNN các tỉnh, thành phố chú trọng số liệu báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng, nhất là các kỳ báo cáo đến ngày 30/9/2016 và 31/12/2016, làm cơ sở để báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 theo quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ.

- Chủ động phối hợp với Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính đồng chủ trì tổ chức hội nghị tọa đàm chủ đầu tư tại 02 khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các đại biểu từ các bộ ngành, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (Ban QLDA) và đại diện một số KBNN tỉnh, thành phố, nhằm lắng nghe trực tiếp những khó khăn, vướng mắc từ các chủ đầu tư, Ban QLDA để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư.

Tại Hội nghị rất nhiều khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, Ban QLDA nêu ra đã được KBNN, Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và TCĐN Bộ Tài chính làm rõ hoặc giải đáp kịp thời, cặn kẽ. Bên cạnh đó, còn một số vướng mắc, khó khăn không thuộc thẩm quyền, Hội nghị đã ghi nhận và tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Với sự nỗ lực cố gắng cùng với các giải pháp KBNN đã triển khai, tính đến hết ngày 30/9/2016, luỹ kế vốn đầu tư XDCB giải ngân qua KBNN là 176.034,9 tỷ đồng, đạt 53,4% so với kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao cấp qua KBNN, tỷ lệ giải ngân cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về số tương đối so với cùng kỳ năm 2015.

Qua số liệu báo cáo cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư XDCB, chỉ trong 3 tháng triển khai Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ (Tháng 7, 8, 9) vốn đầu tư XDCB giải ngân qua KBNN là 84.644,1 tỷ đồng, chiếm 48,1% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân từ đầu năm đến nay và bằng 92,6% số vốn giải ngân của 6 tháng đầu năm 2016.

Thời gian từ nay đến cuối năm 2016 không còn nhiều, với số vốn đầu tư XDCB còn phải giải ngân cho các dự án thuộc kế hoạch 2016 còn khá lớn khoảng 153.738,8 tỷ đồng (chưa kể các nguồn vốn có thể được giao bổ sung từ nay đến cuối năm), để đẩy mạnh giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2016 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ, KBNN đã tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

Một là, Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có các biện pháp tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ (từ việc bổ sung, điều chỉnh, thẩm tra và phê duyệt dự án, duyệt thiết kế dự toán đến việc thẩm tra phê duyệt khối lượng phát sinh, tổ chức nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thanh toán,.....) gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm; KBNN các cấp kịp thời báo cáo về KBNN đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính hoặc cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Hai là, Chỉ đạo KBNN các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính cùng cấp, tham mưu với chính quyền địa phương trong bố trí vốn và điều hành vốn linh hoạt đảm bảo khả năng thanh toán mọi lúc, mọi nơi đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước.

Ba là, Kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng chế độ, các hạng mục phát sinh nằm ngoài dự án, hoặc chưa đủ hồ sơ thủ tục theo quy định; đồng thời theo dõi, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư từng dự án, từng bộ, địa phương, bao gồm cả dự án đầu tư từ nguồn vốn trong nước và dự án sử dụng nguồn vốn ODA, báo cáo Bộ Tài chính để kiến nghị với Chính phủ thực hiện điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án theo đúng tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 và Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016 của Chính phủ.

Bốn là, Chỉ đạo KBNN các cấp thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB. Đôn đốc, phối hợp với chủ đầu tư, Ban QLDA thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; chịu trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng.

Năm là, Chỉ đạo KBNN các cấp thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai các quy trình, thủ tục, hồ sơ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị khi đến giao dịch tại KBNN. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế giải quyết công việc của KBNN và có hành vi gây sách nhiễu, hách dịch đối với các đơn vị đến giao dịch tại KBNN.

Sáu là, Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN qua KBNN nhằm công khai, minh bạch tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị giao dịch tại KBNN.

Bảy là, Tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác thí điểm các dịch vụ công điện tử trực tuyến tại 5 KBNN thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ; theo đó, việc kiểm soát chi (bao gồm cả với chi đầu tư và chi hành chính sự nghiệp) được thực hiện qua mạng điện tử, không phải mang hồ sơ để thanh toán bằng giấy như trước đây. Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai tại 5 thành phố trực thuộc trung ương năm 2016, KBNN sẽ tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác và tiến tới triển khai rộng dịch vụ công điện tử trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018.

Tám là, Nghiên cứu, đánh giá nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác triển khai mở rộng các dịch vụ công trong công tác kiểm soát chi NSNN tiến tới thực hiện kiểm soát chi qua mạng 100%, góp phần thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.