Những kết quả quan trọng trong quản lý tài sản công


Thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, công tác quản lý tài sản công (TSC) đã đạt được những kết quả quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng TSC không ngừng được hoàn thiện

Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), trong những năm qua, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng TSC không ngừng được hoàn thiện. Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 đã phân loại TSC thành 07 loại tài sản.

Theo đó, quy định về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý đối với tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản xác lập sở hữu toàn dân; TSC giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc giao TSC phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC, chức năng, nhiệm vụ được giao. Trường hợp thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc khai thác, sử dụng TSC phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC. Mọi TSC đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC và pháp luật có liên quan.

Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC, quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng TSC. Việc công khai tài sản công phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật; trường hợp không thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ, kịp thời, chính xác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác tổ chức quản lý TSC dần đi vào nề nếp

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến nay, công tác tổ chức quản lý TSC dần đi vào nề nếp, cụ thể:

Đối với việc quản lý, sử dụng xe ô tô: Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành địa phương xác định và công bố, công khai tiêu chuẩn, định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng xe ô tô theo đúng tiêu chuẩn, định mức, khả năng ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí được phép sử dụng, có lộ trình thích hợp, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý, thanh lý xe ô tô dôi dư theo đúng quy định.

Đối với việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất: Đến nay, thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương và địa phương đang quản lý; đã phê duyệt phương án xử lý đạt gần 70% số cơ sở nhà, đất phải sắp xếp; tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng, đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Đối với việc quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng: Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng: cấp nước sạch, thủy lợi, đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa.

Ngày 28/03/2023, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trong đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nâng cao năng lực quản lý và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Đối với công tác quản lý tài chính đối với đất đai: Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng Luật Đất đai năm 2024. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và Nghị định quy định về quỹ phát triển đất để báo cáo Chính phủ. Công tác tính, thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản nghĩa vụ tài chính khác về đất đai được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Nguồn thu từ đất đai luôn chiếm trên 12% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.