Những lí do khiến vàng không còn hấp dẫn
(Tài chính) Giá vàng thế giới vừa lao sâu xuống dưới ngưỡng 1.600 USD/oz. Điều khiến các nhà đầu tư (NĐT) chùn tay với vàng bắt nguồn từ biên bản cuộc họp mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về việc giảm tốc độ hoặc dừng các chương trình mua tài sản hiện có trước khi thị trường việc làm có sự khởi sắc. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khác khiến vàng tới đây có thể sẽ không còn hấp dẫn trong mắt các NĐT.

Kể từ khi lập mức cao 1,800 USSD/oz trong quý đầu năm 2012, thị trường vàng đã không đủ sức phá thủng trên ngưỡng này sau nhiều lần nỗ lực leo cao, bất chấp sự hỗ trợ của gói QE3 và các chương trình mua tài sản khác tại Mỹ. Các chỉ báo kỹ thuật đã cho thấy giá vàng đi vào tình trạng chịu áp lực giảm giá mạnh. Ngay trong hai tháng đầu tiên của năm 2013, động lực để giới đầu tư bán vàng lại càng gia tăng. Riêng trong tháng 2/2013, xu hướng giá vàng giảm càng rõ. Chẳng hạn, mỗi ounce vàng giao ngay chốt phiên 20/2 trên thị trường quốc tế mất gần 2,4% giá trị, từ 1.604 USD xuống 1.565 USD/oz. Thậm chí trước đó, có lúc giá rơi xuống vùng đáy 1.560 USD/oz. Đây là lần đánh dấu đợt giảm giá mạnh nhất trong hơn 7 tháng qua.
Nhiều NĐT buông vàng?
Mới đây, tỉ phú George Soros và Louis Bacon đã cắt giảm cổ phần của họ trong các sản phẩm được giao dịch bằng vàng. Cụ thể, Công ty Quản lý vốn đầu tư của Soros đã giảm sức đầu tư vào quỹ tín vàng lớn nhất thế giới SPDR 55% trên tổng số 600.000 cổ phiếu nắm giữ. Công ty Moore của Louis Bacon cũng bán toàn bộ cổ phiếu vàng SPDR, đồng thời giảm dự trữ cổ phiếu trong một quỹ tín vàng khác là Sprott Physical. Hai quỹ đầu tư lớn khác là Lone Pine Capital và Scout Capital Management cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu SPDR của mình. Thống kê cũng cho thấy, đầu tư vàng toàn cầu (bao gồm vàng thỏi, vàng xu và ETP) đã rớt 8,3% xuống còn 424,7 tấn trong quý IV/2012. Đầu tư trong cả năm ngoái trượt dốc 9,8% xuống còn 1.534,6 tấn. Thậm chí, ngay cả Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đêm 20/2/2013 cũng bán ra 21 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn hơn 1.299 tấn. Đó là chưa kể từ đầu năm đến nay, quỹ này xả hàng liên tục. Hãng môi giới ETF Securities cho rằng tâm niệm của các NĐT hiện nay đã thay đổi khi những thời điểm năm 2012 là lực mua do lo ngại đổ vỡ kinh tế, còn hiện nay, tình hình đã khác nhiều và vàng không còn được trọng dụng như xưa. “Rõ ràng, các quỹ hiện không nhảy vào để hỗ trợ thị trường. Tôi cũng không nhận thấy bất kỳ sự quan tâm nào từ các khách hàng mua vàng vật chất. Đang có một sự chuyển vốn rõ ràng từ vàng và các hàng hóa cơ bản khác sang thị trường chứng khoán”, ông Bill O’Neill, một nhà quản lý của công ty đầu tư hàng hóa cơ bản LOGIC Advisors, phát biểu trên Reuters. Dù chưa có khẳng định chính thức rằng vàng sẽ bị loại khỏi danh mục đầu tư của các NĐT, song với sự lình xình của giá vàng hiện nay, điều này không phải không có khả năng xảy ra.
Cảnh báo “bong bóng” giá vàng
Động thái của hai NĐT George Soros và Louis Bacon trong quý IV/2012 đã củng cố dự đoán chuyến phiêu lưu kỳ diệu kéo dài 12 năm của kim loại quý này đang đi đến hồi kết?! Như vậy, sau một thời gian dài tăng giá, dường như giá vàng đã ở mức quá cao, khiến không phải đến bây giờ, những cảnh báo về bong bóng giá vàng mới được đưa ra. Trước đây, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo về tình trạng bong bóng giá vàng khi giá loại kim loại quý này cứ thẳng tiến trong một thời gian dài. Giá vàng tăng không ngừng trong hơn một thập kỷ có thể là điềm báo cho thấy vàng đã chạm đỉnh. Riêng đối với Việt Nam, mới đây ông Takeshi Hachimura, Cố vấn chính sách Cơ quan Tái thiết của Nhật Bản (ông là người đã có thâm niên 3 năm làm cố vấn tài chính cao cấp cho Việt Nam) cho rằng hiện vàng được giao dịch trong nước Việt Nam không thông dụng trên thế giới, thậm chí vị chuyên gia này còn lo ngại về “bong bóng vàng” hơn là “bong bóng bất động sản”. Đây là cảnh báo rất đáng lưu tâm đối với các NĐT.
“Loạn” những dự đoán
Hiện những dự báo về xu thế giá vàng vẫn đang nên rất bất thống nhất. Các xu hướng dự đoán giá vàng tăng vẫn chiếm xu thế song động thái xả vàng của không ít quỹ đầu tư vàng càng khiến cho cộng động đầu tư không khỏi hoài nghi về triển vọng tăng giá của vàng trong thời gian tới. Nhận định và dự đoán về thị trường vàng thế giới trong năm 2013, đa phần các ngân hàng lớn trên thế giới như Goldman Sachs, Ngân hàng UBS, Bank of America… đều đưa ra dự báo giá vàng sẽ lên cao hơn mức 1.800 USD/oz, dựa trên nhận định những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu nói chung và các cường quốc nói riêng vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, phải chú ý rằng, các tổ chức tài chính cũng thường xuyên điều chỉnh dự đoán của mình. Ở thị trường vàng Việt Nam, những dự báo của các chuyên gia trong nước cũng ngày càng ít đi. Một vài nhận được được đưa ra nhưng cũng chỉ theo hướng chung chung, kiểu như “giá vàng năm 2013 sẽ tiếp tục tăng”, nhưng không đưa ra mức cụ thể là bao nhiêu. NĐT mất phương hướng còn bởi nhiều ý kiến cho rằng, hiện vàng không còn là vịnh tránh bão an toàn khi giá đã lên quá cao. Nếu vậy, không ai dám chắc NĐT sẽ không “bỏ của chạy lấy người” như đã từng hành xử với các kênh đầu tư khác trước đây.
Kinh tế hồi phục, nhiều kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn
Các dữ liệu kinh tế từ Mỹ, Trung Quốc đến khu vực châu Âu đều cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Giám đốc điều hành Foxhall Capital Management Inc. Paul Dietrich nhận định: “Nền kinh tế đang dần khả quan hơn và người dân đang chuyển hướng sang những khoản tài sản dễ sinh lợi hơn như chứng khoán”. Tại thị trường trong nước, với việc điều hành chủ động, linh hoạt và quyết liệt của Chính phủ, có thể giúp kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản sôi động trở lại, trong khi NĐT sẽ ít cơ hội hơn ở thị trường vàng. Cụ thể, với chứng khoán, nỗ lực tái cơ cấu của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tiếp tục cho hỗ trợ cho thị trường bứt tốc trong thời gian tới. Với bất động sản, trước sự vào cuộc của các bộ ngành, gần đây đã có hàng loạt chính sách được khởi động như: Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ, kế đó là chương trình hỗ trợ bù lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, tập trung mở lối nhu cầu nhà ở xã hội, nhắm vào phân khúc người có thu nhập thấp… Ngoài ra, theo các chuyên gia ngân hàng, đối với nhiều người có xu hướng "ăn chắc mặc bền" hoặc ngại rủi ro, khi lãi suất vẫn theo chế độ thực dương, thì nguồn vốn nhàn rỗi sẽ vẫn tiếp tục tìm đến kênh tiết kiệm. Nói tóm lại, đà hồi phục của nền kinh tế thế giới, kéo theo sự tăng trưởng trở lại của các kênh đầu tư khác dường như đang nhấn chìm nhu cầu đầu tư và tích trữ vàng.
Xu hướng "quản chặt" thị trường vàng
Vàng luôn gắn với tỷ giá, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô, đôla hóa nền kinh tế, lạm phát… Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Trước những bất ổn do thị trường vàng gây ra đối với nền kinh tế và đời sống xã hội của người dân như vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng thắt chặt quản lý các hình thức kinh doanh vàng. Trên thực tế, điều này cũng phần nào thể hiện trong Nghị định 24/NĐ-CP gần đây của Chính phủ khi cấm vàng trở thành phương tiện thanh toán, chưa công nhận vàng tài khoản, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng; Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng “người kiến tạo, mua bán cuối cùng”, bảo đảm việc cầm chịch điều tiết, để thị trường vàng vận hành một cách minh bạch theo nguyên tắc cung – cầu… Xu hướng siết như vậy được kỳ vọng sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp kim hoàn mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn là phát triển thị trường vàng vật chất đầy bất ổn.