Những mất mát lớn của Trung Quốc ở Myanmar

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Những thay đổi lớn lao về cục diện chính trị ở Myanmar đã trực tiếp ảnh hưởng đến vị thế chính trị và kinh tế của Trung Quốc ở quốc gia này.

Người dân Myanmar biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư xây dựng trị giá 3,6 tỷ USD. Nguồn: internet
Người dân Myanmar biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư xây dựng trị giá 3,6 tỷ USD. Nguồn: internet

Theo số liệu thống kê, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Myanmar năm 2013 chỉ bằng chưa đầy 10% của năm 2012. Đây là lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây, Trung Quốc để mất vị trí xếp đầu trong danh sách các nước đầu tư nhiều nhất vào Myanmar. Nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ Myanmar đã đóng băng các dự án đầu tư khai thác tài nguyên của một số doanh nghiệp Trung Quốc như dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone của Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc, dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung trị giá 1 tỷ USD của Công ty TNHH Khoáng sản Vạn Bảo thuộc Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc.

Hiện nay, Chính phủ Myanmar đã ủy nhiệm cho lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi tiến hành thẩm tra các dự án lớn của Trung Quốc tại nước này. Lúc quay trở lại chính trường, bà Aung San Suu Kyi từng công khai tuyên bố không phải đối Trung Quốc, nhưng vấn đề là bà Aung San Suu Kyi và chính đảng của bà có khuynh hướng thân với các cường quốc phương Tây như Anh, Mỹ, đồng thời thiếu mối liên hệ cũng như sự hiểu biết đối với Trung Quốc.

Hiện nay dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD đã bị dừng lại. Trước đây, do công trình này nằm trong vùng thánh địa lịch sử nên công ty của Nhật Bản không dám đầu tư. Nhưng do quá chú ý tới lợi nhuận và có sự ủng hộ của chính quyền quân sự tại Myanmar trước kia, Chính phủ và Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc đã không ngần ngại xúc tiến dự án. Các dự án đầu tư khác của Trung Quốc như khai thác đồng, niken… cũng bị người dân địa phương và các nhân sỹ, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường phản đối. Nếu sau khi thẩm tra, bà Aung San Suu Kyi nhận thấy những phản hồi của người dân là hợp lý, những dự án này cũng có thể bị đình chỉ vô thời hạn.

Trong số các dự án đã hoàn thành, đáng lo ngại nhất là dự án đường ống dẫn dầu từ Côn Minh (Trung Quốc) tới cảng Kyaukpyu của Myanmar, với trị giá ít nhất 5 tỷ USD. Việc bảo vệ tuyến đường ống này do quân đội Myanmar đảm nhiệm, dù khó có khả năng dự án bị hủy bỏ, nhưng chắc chắn phí quá cảnh mà Trung Quốc phải trả cho Myanmar sẽ tăng mạnh so với trước kia. Trong trường hợp tuyến đường ống này bị phá hoại, tổn thất của Trung Quốc sẽ rất lớn bởi đây là tuyến đường huyết mạch dẫn một lượng dầu khí khổng lồ giúp Trung Quốc giải quyết cơn khát năng lượng.

Trong thời kỳ phương Tây cấm vận chính quyền quân sự ở Myanmar, Trung Quốc là một trong số ít bạn bè của Myanmar. Trung Quốc đã đầu tư vào Myanmar hàng chục tỷ USD và nhiều dự án trong đó liên quan tới an ninh kinh tế và an ninh năng lượng của Trung Quốc. Chính phủ và doanh nghiệp nước này không đánh giá hết rủi ro chính trị ở Myanmar. Kể từ khi chính quyền quân sự chuyển giao cho dân sự, Myanmar bước vào tiến trình mở cửa dân chủ, dòng thu hút đầu tư phát triển theo hướng đa dạng hóa.

Hơn nữa, việc Trung Quốc chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế, không bỏ tiền giúp đỡ người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi những dự án của họ, cải thiện cuộc sống đã khiến người Myanmar không có thiện cảm với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng ngay lập tức nhận thấy Myanmar là một thị trường đầy hứa hẹn. Sau khi Myanmar tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2015, Trung Quốc sẽ còn phải chứng kiến những mất mát lớn hơn tại quốc gia này.