Những người cõng vốn trên cao nguyên trắng
Để mở rộng tín dụng trên khắp địa bàn, đảm bảo an toàn nguồn vốn, Agribank Lào Cai chủ động tăng cường phối hợp liên ngành với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đẩy mạnh cho vay hộ nông dân trên địa bàn thông qua phương thức cho vay tổ, nhóm tạo cầu nối cho hộ nông dân được tiếp cận vốn tín dụng một cách nhanh nhất, chi phí thấp nhất và có hiệu quả nhất.
Khi hoa mận đã trắng trời Tây Bắc, khi mỗi góc vườn miền sơn cước “phủ tuyết” hoa lê, chợ Bắc Hà (Lào Cai) lại chờ đón những ngày hội tụ lớn. “Ơ, Bắc Hà xưa tối trong tối tăm nghèo đói, nhưng khi cuộc đời đổi mới về đây, Bắc Hà vui đón những mùa xuân mới, xuân về làng mùa hội quê mình. Tiếng trống tiếng chiêng rộn thêm điệu múa, tiếng khèn tiếng sáo gọi người mình yêu, tươi thắm hội xuân sắc quần, sắc áo…”. Ca khúc Mùa xuân đi chợ Bắc Hà của nhạc sĩ Phùng Chiến gợi về như mời gọi chúng tôi về với Bắc Hà, về với Tây Bắc.
Từ những “đặc sản” vùng cao
Về Bắc Hà hôm nay có thể nhận thấy sự đổi thay từng ngày trên “cao nguyên trắng”. Từ chỗ từng là một huyện vùng cao 30A với hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, thì nay Bắc Hà đã trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh Lào Cai, đường sá được đầu tư, mở rộng tạo điều kiện lưu thông hàng hóa. Và điều đó đã thúc đẩy tư tưởng kinh doanh của người dân.
Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như mận tam hoa, cây tam thất… được người dân mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng. Người dân từ chỗ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì nay đã biết chủ động tìm đến ngân hàng để vay vốn đầu tư kinh doanh.
Giám đốc Agribank Bắc Hà Trần Quốc Trung chia sẻ, chi nhánh quản lý 2 huyện vùng cao là Bắc Hà và Mường Khương với 34 xã, thị trấn. Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn nên ngân hàng xác định chủ yếu tập trung cho vay tam nông.
Với mục tiêu ấy, Agribank Bắc Hà đóng vai trò là người chuyển tải vốn cho người dân, hiện dư nợ của chi nhánh cho nông dân đã đạt mức 750 tỷ đồng… Tuy nhiên, cho vay tam nông, nhất là ở địa bàn vùng cao, khu vực đồng bào thiểu số có nhiều cái vất vả.
Theo chân nữ cán bộ tín dụng người dân tộc Phù Lá, cô Tráng Thín Phấn, chúng tôi gặp bà Giàng Thị Doa (Bắc Hà), 75 tuổi. Bà đã vay chi nhánh 170 triệu đồng để cùng các con trồng hàng ngàn gốc hồng, lê; nuôi 4 con hươu, 2 con ngựa; làm ao nuôi cá…
Thu hoạch xong vụ mùa vừa qua, bà đã trả nợ ngân hàng được 50 triệu đồng… Tuy thế, cô Phấn tâm sự, làm ngân hàng vùng cao chúng em quan trọng nhất là thu hồi được nợ. Cho vay nông thôn là vì lợi ích đối tượng chính sách, nên với mỗi món vay chỉ 10 ngày không thấy tiền về là cán bộ tín dụng “lo sốt vó”.
Mỗi lần như thế cô lại xuống phối hợp cùng các tổ, hội vay vốn để tìm hiểu thực tế vấn đề mà người dân đang gặp phải, từ đó tìm hướng tháo gỡ, cùng giải quyết khó khăn. Mang tiếng là cán bộ ngân hàng nhưng mỗi tháng cô chỉ ở cơ quan có 1 tuần, còn 3 tuần là đi cơ sở, nhiều khi sang cả mạn Si Ma Cai vì bên ấy chưa có ngân hàng.
Tính nơi xa nhất cũng ngót nghét cả trăm kilomet để chăm sóc từng món vay, từng sản nghiệp, gõ cửa từng nhà, thăm nom từng dự án. Chính từ những sự tận tụy của các cán bộ tín dụng vùng cao ấy nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở đây rất thấp, chỉ khoảng 0,17% tổng dư nợ.
Đến “nghiệp” tín dụng tam nông
Cũng “nung nấu” một tình yêu với Bắc Hà, chị Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Việt Tú đã chọn một thung lũng đầy sỏi đá ở Thải Giàng Phố (Bắc Hà) để lập nghiệp. Dưới bàn tay của cô và những người dân nghèo nơi đây, hơn 4ha đất cằn đã biến thành cánh đồng hoa rực rỡ với hơn 82.000 chậu địa lan Trung Quốc, 3.582 chậu địa lan Sa Pa, 3.240 gốc ly Hà Lan và 242.220 gốc hoa đường phố các loại…
Giàng Thải Phố là một xã vùng cao, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, một năm không biết đón nhận bao nhiêu đoàn thiện nguyện đến thăm và chia sẻ. Thế nhưng, nếu người dân cứ trông chờ vào tấm lòng thiện nguyện thì bao giờ mới thay đổi được?
Với suy nghĩ ấy, Cẩm Tú đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng và vay thêm Agribank Bắc Hà nhiều tỷ nữa để lập nghiệp. “Hiện ngày cao điểm nhất đã đón được 1.000 lượt khách đến thăm thung lũng hoa. Khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định TPP, giá vườn của em sẽ bằng giá bên Côn Minh, chúng em sẽ sống”, cô tin tưởng.
Ở vị thế “người vượt non gùi vốn”, Giám đốc Agribank Lào Cai, ông Phạm Tiến Trình chia sẻ: Xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường truyền thống, nông dân là người bạn đồng hành, Agribank Lào Cai đặc biệt chú trọng mở rộng tín dụng đến các thành phần kinh tế.
Chúng tôi nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, qua đó tập trung vốn đầu tư vào 7 chương trình trọng tâm với 27 đề án phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Agribank Lào Cai đang triển khai là ưu tiên vốn cho các dự án phát triển nông, lâm nghiệp; cho vay kinh tế trang trại trong đó có các dự án phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản, chè, cây ăn quả, trồng rau và hoa xuất khẩu…
Để mở rộng tín dụng trên khắp địa bàn, đảm bảo an toàn nguồn vốn, Agribank Lào Cai chủ động tăng cường phối hợp liên ngành với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đẩy mạnh cho vay hộ nông dân trên địa bàn thông qua phương thức cho vay tổ, nhóm tạo cầu nối cho hộ nông dân được tiếp cận vốn tín dụng một cách nhanh nhất, chi phí thấp nhất và có hiệu quả nhất.
Trên khắp các triền đồi Bắc Hà rực lên màu trắng của hoa mận, hoa mơ. Một mùa xuân mới đang đến với Bắc Hà, mùa xuân của ấm no, hạnh phúc. Nhưng quan trọng hơn, sự ấm no, hạnh phúc ấy bắt nguồn từ chính những con người Bắc Hà, từ bàn tay và khối óc của họ. Một sự ấm no từ lao động chứ không phải từ những tấm lòng sẻ chia…