Những nỗi sợ của doanh nhân Việt
(Tài chính) Lẽ tất nhiên là ai cũng sẽ có những nỗi sợ hãi của riêng mình. Doanh nhân nói chung và doanh nhân Việt Nam nói riêng cũng vậy. Hãy cùng đi sâu tìm hiểu những nỗi lo sợ của họ: sợ công khai, sợ báo chí, sợ phá sản… và còn những nỗi sợ nào khác nữa không?
Nỗi sợ phải công khai
Hầu hết doanh nhân Việt ít nhiều đều có nỗi sợ phải công khai danh tính của mình. Theo cách nghĩ này hoặc cách nghĩ khác, họ cho rằng nếu âm thầm điều khiển doanh nghiệp thì “trộm vía” doanh nghiệp sẽ phát triển tốt.Thực tế cho thấy, rất nhiều vị chủ tịch HĐQT, giám đốc, CEO của doanh nghiệp đôi khi không muốn trực tiếp đứng ra trước mọi hoạt động của công ty và chia sẻ thông tin cá nhân công khai. Dù có công khai hay không, họ cũng có lý do của riêng họ.
Nỗi sợ báo chí
Nhắc đến báo chí là hầu hết doanh nhân nào cũng có đôi chút “chột dạ”. Tại sao lại như vậy? Theo như chia sẻ của nhiều chủ doanh nghiệp, họ nghĩ rằng báo chí ít nhiều sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ. Không cần xét đến báo chí khen hay chê nhưng mỗi khi được báo chí chú ý đến, những người chủ doanh nghiệp họ đều phải suy xét kĩ lưỡng và đắn đo trước những quyết định của mình. Theo suy nghĩ của những doanh nhân, báo chí là đại diện của dư luận xã hội nó có thể giúp đưa họ lên mây và cũng có thể kéo họ xuống bất cứ lúc nào. Dù sao, đối với họ “thận trọng” với báo chí là điều tất yếu.
Nỗi sợ minh bạch
Khi ở trong một môi trường không minh bạch thì không có cách nào họ có thể tự minh bạch hóa chính doanh nghiệp của mình. Nếu họ không hành động theo số đông thì họ không phát triển được doanh nghiệp, còn nếu “ai sao ta vậy” thì luôn phải giấu cái này, che cái kia vì thực tế không biết phải giải trình nó là cái gì. Khi ông chủ phải làm như vậy thì rất khó có thể yêu cầu nhân viên làm khác, thế là cái vòng luẩn quẩn bắt đầu. Nếu bạn là doanh nhân thì mới thấy là rất nhiều người không muốn cho bạn minh bạch, vì nếu như vậy thì họ chẳng có gì để “làm lợi” cho mình cả.
Nỗi sợ tuổi tác
Tại sao lại nói nỗi sợ tuổi tác là một trong những nỗi sợ của doanh nhân Việt? Điều này được lý giải ở một bộ phận doanh nhân trẻ. Khác với doanh nhân thế giới, ở nước ngoài họ trân trọng và tôn vinh những doanh nhân trẻ thành đạt còn ở Việt Nam chính những doanh nhân trẻ thành đạt lại sợ phải công khai tuổi thực của mình. Theo như lý giải của một số doanh nhân trẻ “vì công việc đặc thù” nên xin phép không công khai tuổi thực. Cũng chính vì còn rất nhiều những suy nghĩ đó mà tuổi thực của các doanh nhân luôn là một ẩn số.
Và mặt khác, tuổi tác là nỗi sợ hãi của những người có tuổi vì đó chính là thời điểm họ phải lui về “hậu trường” để nhường lại vị trí cho lớp trẻ tài năng.
Nỗi sợ đố kỵ
Thực tế, không phải là Việt Nam không có những doanh nhân tâm và tài. Chính họ cũng rất muốn làm ăn chân chính và tạo dựng được tiếng nói cho riêng mình đấy chứ, nhưng do tính không đoàn kết và ích kỷ của người Việt mà hầu như chưa có ai thành công được.
Họ chưa kịp trổ tài, thì những đố kỵ, ghen ghét và những thế lực không trong sáng đã muốn hất họ xuống. Trong những điều kiện như vậy chỉ béo bở cho những người cơ hội và có sự bao che của thế lực xã hội.
Nỗi sợ vì tự ti
Người Việt luôn mang trong mình dòng máu Việt. Nhưng trong lịch sử đã bị đô hộ hơn ngàn năm cả phương tây và phương bắc. Bởi thế họ luôn coi những người đến từ phương tây và phương bắc là tài giỏi hơn mình. Điều đó dẫn đến sự tự ti trong kinh doanh và không dám khuếch trương danh tiếng của mình.
Cho dù ít hay nhiều thì một bộ phận doanh nhân Việt cũng mang tư tưởng an phận thủ thừa. Họ luôn cho rằng người da trắng là thần tượng, là người ngoài hành tinh và hơn họ một tầm trong kinh doanh. Chính vì tư tưởng nghĩ rằng mình không bằng nhiều người trong kinh doanh phần nào đã kìm hãm khả năng thực sự của họ.
Nỗi sợ phá sản
Nỗi sợ này thì tất cả doanh nhân Việt hay mọi doanh nhân trên thế giới đều sợ. Họ kinh doanh và đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của họ vì chỉ cần một chút sai lầm, chỉ một lần đi chệch hướng thì mọi thứ từ công ty, chức vụ, tiền tài, danh vọng đều tiêu tan và khi phá sản họ không còn là doanh nhân nữa. Chính nỗi sợ hãi này phần nào đã kìm hãm sự táo bạo, dám thử thách trong kinh doanh của mỗi doanh nhân. Tuy nhiên, thật sự thì không ai muốn mạo hiểm với khối tài sản của mình cả.