Những phong tục đón năm mới "có 1 không 2" trên thế giới
Chào mừng năm mới đã từ lâu trở thành một phong tục truyền thống tốt đẹp và đầy ý nghĩa đối với mọi cư dân trên thế giới. Nhưng mỗi quốc gia, mỗi khu vực lại có những phong tục độc đáo, nét văn hóa riêng khi đón Tết.
Italy: Vứt bỏ đồ cũ, nhảy sông chào đón năm mới
Tới Italy vào thời khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ, du khách nên thận trọng khi đi qua những ô cửa sổ. Người dân tại đây từ lâu vẫn gìn giữ phong tục độc đáo - ném đồ qua cửa sổ để đón năm mới.
Vào giao thừa, người Italy sẽ ném hết những món đồ cũ ra ngoài. Chúng có thể là bàn ghế cũ, lò nướng hay ti vi đã cũ. Nhưng để tránh gây thương tích cho người đi đường cũng như du khách, bây giờ, người Italy vẫn giữ tập tục này, nhưng sẽ chọn các vật nhỏ và mềm để ném.
Theo quan niệm của người Italy, ném những đồ đã cũ tức là "tống tiễn" điều không vui, xui xẻo của năm trước ra ngoài. Khi ném chúng đi cũng đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng chào đón năm mới với những điều mới mẻ đang tới. Đồng thời, họ cũng tin rằng, khi món đồ cũ được ném đi, tức là vào năm mới gia đình sẽ có những món đồ mới.
Ngoài phong tục vứt bỏ đồ cũ, người Italy vẫn lưu truyền phong tục khác cũng thú vị không kém. Đó là vào ngày đầu tiên của năm mới, người dân và du khách sẽ tụ tập ở cây cầu Cavor nhảy xuống sông Tiber, dưới tiết trời lạnh buốt gần chạm ngưỡng 0 độ C.
Tập tục này có từ năm 1946 và được tin rằng những ai đủ dũng cảm nhảy xuống sẽ gặp nhiều may mắn và thành công trong năm mới.
Hungary: Không giặt quần áo trong ngày Tết
Theo người Hungary thì giao thừa được gọi là “Silvester”. Cũng như các quốc gia khác thì Hungary cũng có rất nhiều phong tục thú vị trong ngày Tết như làm ồn thật lớn để xua đuổi ma quỷ, tuyệt đối không giặt quần áo vào ngày đầu năm mới nếu không muốn năm tới xui xẻo.
Những quan niệm về Tết của người Hungary có nhiều điểm tương đồng với người Châu Á như nếu vị khách đầu tiên xông nhà vào năm mới là nam giới, điều đó được xem là điều may mắn của gia đình trong cả năm đó. Ngược lại, nếu người đó là phụ nữ thì lại không may cho lắm. Rửa mặt bằng nước lạnh với trái táo được cắt đôi sẽ giúp bạn có sức khỏe dồi dào hơn.
Tây Ban Nha: Ăn nho càng nhanh càng gặp nhiều may mắn
Trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người dân Tây Ban Nha bên cạnh việc uống rượu chúc mừng nhau thì họ còn có phong tục truyền thống đó là ăn nho xanh và ăn càng nhanh càng tốt. Trong phong tục này sẽ có 12 chùm nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm tới, thể hiện mong ước một năm mới ngọt ngào và suôn sẻ. Và nho phải là nho có hạt, nếu là nho không hạt thì quá dễ dàng và xem như gian lận.
Peru: Đánh nhau để xóa bỏ hiềm khích đón năm mới
Cộng hòa Peru là quốc gia nằm ở phía Tây Nam Mỹ, đồng thời là quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới. Nếu bạn đang đi bộ trên đường phố Peru trong dịp năm mới, đừng ngạc nhiên khi thấy ai đó đang đánh nhau, bởi vì người Peru ăn mừng năm mới theo cách này.
Đánh nhau theo nhóm là một việc làm hợp pháp tại địa phương trong mỗi dịp năm mới. Nếu chỉ nghe qua, ắt hẳn sẽ có nhiều người nghĩ rằng đón năm mới theo cách bạo lực như vậy là điều không nên làm.
Ngược lại, người Peru quan niệm rằng, việc chiến đấu với nhau trước thời điểm chuyển giao năm mới là cách họ cùng nhau trút bỏ hiềm khích cũ, xóa đi những nỗi đau và muộn phiền trong năm đã qua để chào đón một sự khởi đầu hạnh phúc và vui vẻ bên nhau.
Mặt khác, cách đánh này cũng không hề đáng sợ, bởi những người tham gia chỉ sử dụng lực đánh nhẹ, không nhắm trúng đích, tránh gây đau đớn cho đối phương. Đôi khi, chúng ta hoàn toàn có thể bị một người không quen biết đánh khi đang đi trên đường, bởi đây là sự kiện mà tất cả đều tham gia, không phân biệt giới tính, và việc làm này hoàn toàn chỉ thể hiện sự thân thiện, không gây hiềm khích.
Sau khi một hiệp đấu kết thúc, cả hai bên sẽ ôm nhau và chúc nhau thành công trong năm mới. Tại một số vùng của Peru, các cuộc thi "đấu đá" được tổ chức hàng năm, mọi người đều có thể tham gia, và các cuộc thi này thường kết thúc một cách dễ chịu.
Bulgari: Ăn bánh kem may mắn và hắt xì hơi
Sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới.
Ngoài ra, khi dùng tiệc đầu năm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.
Belarus: Đoán người sẽ kết hôn trong năm mới
Trong lễ kỉ niệm mừng năm mới truyền thống của Belarus, những cô gái chưa chồng sẽ được chơi một số trò chơi đặc biệt để đoán xem ai sẽ là người kết hôn trong năm mới. Ví dụ, người ta sẽ đặt một đống hạt ngô trước chỗ đứng mỗi cô gái, rồi thả gà trống ra. Con gà trống chạy đến đống ngô dưới chân người nào trước, người đó được tin sẽ là người đầu tiên kết hôn trong năm tới.
Ngoài ra, một người phụ nữ đã kết hôn giấu những vật đặc biệt quanh nhà để cho những người bạn chưa kết hôn của mình đi tìm. Cô gái nào tìm ra bánh mì được tin là sẽ lấy một người đàn ông giàu có. Người nào tìm thấy một chiếc nhẫn sẽ là người cưới được một người chồng đẹp trai.
Mexico: Mặc đồ lót nhiều màu sắc đón Tết
Mỗi dịp đón năm mới, người Mexico thường sử dụng nhiều loại màu sắc khác nhau để trang trí cho ngôi nhà của mình. Theo quan niệm truyền thống tại đây, mỗi màu sắc đều mang ý nghĩa riêng về hy vọng và mong muốn của mọi người trong năm mới. Chẳng hạn, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu, màu vàng tượng trưng cho công việc và màu xanh lá cây biểu tượng cho tiền bạc.
Ngoài trang trí nhà cửa, để thể hiện rõ hơn mong muốn của cá nhân trong tương lai, tại thành phố nhộn nhịp nơi sản sinh vũ điệu Samba rực lửa, người ta lựa chọn mặc đồ lót có nhiều màu sắc khác nhau trong đêm giao thừa.
Nếu bạn muốn một năm mới gặp nhiều may mắn, tràn đầy hứng khởi, hãy mặc đồ lót màu đỏ. Nếu bạn muốn có một năm kinh doanh phát đạt, hãy mặc đồ lót màu vàng. Nếu bạn cầu mong một năm bình an khỏe mạnh, hãy mặc đồ lót màu xanh lá cây. Mặt khác, nếu đã có đủ sức khỏe và tiền bạc, nhiều người sẽ lựa chọn đồ lót màu hồng để cầu mong về một tình yêu hay tình bạn mới tốt đẹp hơn.
Chile: Đón năm mới tại nghĩa trang
Vào đêm giao thừa, người dân tại thành phố Talca, cộng hòa Chile tập trung tại nghĩa trang để đón bình minh năm mới cùng những người thân đã khuất.
Thị trưởng Talca cho phép mở cổng nghĩa trang vào lúc 23:00 đêm giao thừa. Hàng ngàn người dân lần lượt bước vào nghĩa trang, chào đón năm mới bằng âm nhạc truyền thống dưới ánh sáng của những ngọn nến.
Đối với người dân địa phương, đây không phải là một khoảnh khắc buồn, mà là một khoảnh khắc hạnh đẹp vô cùng hạnh phúc, bởi đây là thời điểm hiếm hoi trong năm tất cả các thành viên trong gia đình được đoàn tụ cùng nhau và tưởng nhớ đến những người thân yêu đã qua đời.
Mỹ: Ăn nhiều củ cải và đậu mắt đen, hạ quả cầu pha lê
Ở các bang miền Nam nước Mỹ, vào lúc giao thừa, mọi người thường ăn thật nhiều củ cải và đậu mắt đen vì quan niệm mỗi củ cải họ sẽ kiếm được 1000 đôla, còn với mỗi đậu mắt đen họ sẽ kiếm được 100 cent. Theo lời những người xưa thì để điều này linh nghiệm họ phải ăn tới 365 hạt.
Đối với những cặp đôi yêu nhau họ sẽ trao cho nhau nụ hôn vào đêm giao thừa. Đây là một phong tục cổ xưa của người Mỹ, họ làm vậy vì cho rằng điều này đem đến may mắn và những điều tốt đẹp trong năm mới. Ở Mỹ vào thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới, ở quảng trường Thời Đại, họ sẽ hạ quả cầu pha lê và bắn hoa giấy.
Anh: Lấy nước đầu năm mới
Một ngày trước Tết Dương lịch, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ trong nhà, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Người Anh cho rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ.
Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục "lấy nước đầu năm mới". Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người đầu tiên múc được gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.
Scotland: Rải tiền vàng trước cửa nhà
Đêm trước ngày Tết Dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy.
Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc, ý nghĩa là "nhìn thấy phát tài".
Cộng hòa Séc dự đoán năm mới với trái táo
Đối với người dân tại đất nước cộng hòa Séc thì trong đêm Giáng sinh hoặc đêm mừng năm mới, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau quây quần đông đủ tại bàn ăn và trên bàn sẽ có một quả táo được cắt làm đôi.
Người Czech tin rằng, nếu lõi quả táo có hình ngôi sao tức là năm đó những người có mặt hôm đó sẽ có sức khỏe dồi dào và gặp nhiều may mắn. Còn nếu quả táo có hình cây thánh giá đan chéo thì e rằng năm đó sẽ có một ai đó không được khỏe mạnh.
Nga: Đốt điều ước vào giấy rồi đốt uống
Người bản địa tin rằng, nếu viết điều ước vào một tờ giấy nhỏ rồi đốt, sau đó thả tro vào ly rượu và uống vào thời khắc giao thừa, điều ước sẽ trở thành hiện thực trong năm mới.
Ở Siberia, mọi người thường ngâm mình trong một hồ nước đóng băng trong khi bám chặt vào một thân cây được đặt dưới băng với ý nghĩa về sự phát triển và đổi mới.
Scotland: Nếu ở Việt Nam có tục xông đất vào đêm giao thừa (Âm lịch), người Scotland cũng quan niệm, người đầu tiên bước chân vào nhà sau giao thừa sẽ quyết định vận may trong năm mới của gia đình đó. Lựa chọn tuyệt vời nhất là trẻ em hoặc một người đàn ông cao lớn tóc đen.
Trong khi đó, phụ nữ và đàn ông tóc vàng không được chào đón tại những gia đình chưa có ai ghé thăm sau giao thừa.