Những tài sản được lợi trong thời dịch bệnh Corona
Một số chuyên gia phân tích cho rằng thị trường vàng sẽ còn tiếp tục tăng giá trong năm nay, khi triển vọng thị trường chứng khoán suy yếu sẽ càng thúc đẩy dòng tiền rót vào những kênh đầu tư đang hấp dẫn trở lại như vàng.
Sau khi tăng đến 18% trong năm 2019, thị trường vàng quốc tế đã tăng 4,8% chỉ trong tháng 1/2020 đạt mức cao nhất trong 7 năm qua. Xu hướng đi lên của vàng tiếp tục được duy trì trong nửa đầu tháng 2 này, khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Corona bùng phát.
Vàng vẫn là số 1?
Hiện tại giá vàng quốc tế đang nằm vùng 1.600 USD/oz, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013 cho đến nay. Trong khi đại dịch Corona tiếp tục lây lan rộng với số lượng lây nhiễm lên tới hàng chục nghìn người và chưa cho thấy khả năng chặn đứng, giới đầu tư đã hoảng sợ và tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán tại châu Á, đồng thời dẫn dắt sự phục hồi trong giá vàng gần đây.
Chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã lao dốc 8,5% ngay sau khi mở cửa trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 8/2015. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng bốc hơi 3% sau khi mở cửa giao dịch lại, ghi nhận phiên mở cửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, các thị trường ở Trung Quốc đại lục phải đóng cửa thêm hai ngày vì dịch bệnh.
Ngược lại, giá vàng cứ lầm lũi đi lên kể từ sau Tết đến nay. Về cơ bản, nhu cầu vàng thường suy yếu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại châu Á, nhưng năm nay mọi thứ lại diễn biến khác khi dịch bệnh cũng đang làm đảo lộn mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng thị trường kim loại quý này sẽ còn tiếp tục tăng giá trong năm nay, khi triển vọng thị trường chứng khoán suy yếu sẽ càng thúc đẩy dòng tiền rót vào những kênh đầu tư đang hấp dẫn trở lại như vàng.
Ngoài ra, những yếu tố khác đang ủng hộ thị trường vàng như sự ra đời các sản phẩm giao dịch hoán đổi dựa trên vàng (ETP), các thỏa thuận mua bán vàng của các ngân hàng trung ương, các căng thẳng địa chính trị gia tăng, cũng thúc đẩy nhu cầu mua vàng như là nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn đầu tư. Nếu như mục tiêu 1.600 USD/oz được nhiều tổ chức dự báo đã sớm đạt được vào đầu năm nay, thì những mục tiêu mới đã được đặt ra tại 1.700 USD/oz, 1.800 USD/oz và thậm chí là mức kỷ lục cũ ở vùng 1.900 USD/oz.
Đáng lưu ý là dịch bệnh lần này cũng đang thúc đẩy nhiều nước đưa ra các biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế yếu kém, như giảm lãi suất, bơm thêm tiền để nới lỏng chính sách, mà có thể dẫn đến sự gia tăng lạm phát. Bất cứ khi nào lạm phát tăng, giá vàng cũng sẽ theo đà tăng lên, vì kim loại quý là khoản đầu tư lý tưởng nhất để phòng ngừa rủi ro lạm phát.
Những tài sản khác
Ngoài vàng, trái phiếu cũng được xem là một trong những kênh đầu tư hiệu quả mỗi khi rủi ro gia tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm mạnh kể từ đầu tháng 1/2020 đến nay, khi các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn này đẩy giá tài sản này gia tăng. Về cơ bản lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều với giá trái phiếu.
Ngoài ra, các trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp cũng được xem là một trong những loại tài sản mang lại lợi nhuận tích cực và có khả năng tự phòng hộ tốt, khi mang tới lợi suất tương đương cổ phiếu khi thị trường leo dốc, trong khi mang lại một số yếu tố an toàn hơn khi thị trường giảm điểm.
Trên thị trường tiền tệ, những đồng tiền có tính trú ẩn an toàn như yên Nhật hay franc Thụy Sĩ cũng được lựa chọn mỗi khi bất ổn gia tăng. Đồng yên đã tăng gần 1,5% so với USD từ đầu tháng 2/2020 đến nay, nếu so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng còn mạnh hơn nhiều. Tương tự đồng franc Thụy Sĩ cũng đã tăng đến 2% so với USD chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ đầu tháng 2 đến nay.
Đáng lưu ý là ngay cả thị trường tiền mã hóa cũng bất ngờ phục hồi mạnh trở lại, với giá đồng Bitcoin (BTC) tăng hơn 10% trong vòng một tháng qua, lên lại mốc gần 10.000 USD/BTC, mức cao nhất trong hơn nửa năm qua. Dù chưa nhận được sự chấp nhận rộng rãi, nhưng diễn biến thị trường tiền mã hóa nói chung và đồng Bitcoin nói riêng trong quá khứ cũng thường phản ứng tích cực khi rủi ro kinh tế thế giới leo thang, và lần này cũng không ngoại lệ.
Thực tế nhìn lại lịch sử có thể thấy rằng các đại dịch thường gắn liền với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đơn cử như dịch cúm H1N1, hay còn gọi là cúm lợn hồi năm 2009 và 2010 - trùng với thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu. Hay dịch cúm Tây Ban Nha cách đây 100 năm cũng trùng với thời điểm cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Và lần này không ít người lo ngại dịch cúm Corona cũng mang lại những hệ quả tương tự, do đó dòng vốn chạy vào những tài sản an toàn kể trên cũng là điều dễ hiểu.