Những thay đổi quan trọng trong tổ chức quản lý đối với công ty cổ phần
(Tài chính) Luật Doanh nghiệp 2014 đã tiếp thu những quy định tiến bộ tại Luật Doanh nghiệp 2005 và bổ sung nhiều quy định mới. Ngoài các quy định về con dấu và người đại diện nêu tại bài viết trước, PLF lưu ý thêm những thay đổi quan trọng trong việc tổ chức và quản lý công ty cổ phần (CTCP) tại Luật Doanh nghiệp 2014.
Về cơ cấu tổ chức quản lý CTCP
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, CTCP có quyền lựa chọn cách thức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình:
- Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”), Hội đồng Quản trị (“HĐQT”), Ban Kiểm soát và Giám đốc/Tổng Gám đốc; hoặc
- ĐHĐCĐ, HĐQT (ít nhất 20% số thành viên HĐQT là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT), Giám đốc/Tổng Giám đốc. Các thành viên HĐQT độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty, không tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành CTCP.
Luật Doanh nghiệp 2014 tạo cơ hội cho CTCP chủ động trong việc lựa chọn người đại diện pháp luật (Chủ tịch HĐQT và/hoặc Giám đốc/Tổng Giám đốc). Trường hợp có 2 người đại diện pháp luật trở lên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc/Tổng Giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật và cần được quy định rõ trong Điều lệ.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng điều chỉnh và bổ sung một số quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của ĐHĐCĐ, HĐQT; cơ cấu, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ, cũng như điều kiện trở thành thành viên, thành viên độc lập HĐQT, Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật. Theo đó, HĐQT sẽ có quyền tự bầu, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch HĐQT.
Điều kiện, thể thức triệu tập, tiến hành các cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông
Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết cho lần triệu tập thứ nhất, 33% tổng số cổ phiếu biểu quyết cho lần triệu tập thứ hai.
Tùy thuộc vào vấn đề được thông qua, tỷ lệ tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành giảm còn 51% và 65% thay vì 65% và 75% như quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005.
Điểm đáng lưu ý là Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định mở hơn về việc ứng dụng công nghệ vào cuộc họp, cho phép cổ đông tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, gửi thư, fax, thư điện tử và hình thức cụ thể này phải được ghi rõ trong Điều lệ doanh nghiệp.
Với những thay đổi mang tính bước ngoặt nêu trên, doanh nghiệp cần điều chỉnh, bổ sung Điều lệ hoạt động và phải được ĐHĐCĐ thông qua theo đúng quy định.