Những thay đổi về chính sách đầu tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2015
(Tài chính) Luật Đầu tư 2014 (hiệu lực từ ngày 01/07/2015) có sự thay đổi quan trọng về các hình thức đầu tư so với quy định hiện tại về hình thức đầu tư, quy định mới về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư,…
Luật Đầu tư 2014 đã bỏ một số hình thức đầu tư như: hợp đồng BOT, BTO, BT; đầu tư phát triển kinh doanh; đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp. Đồng thời Luật Đầu tư 2014 đã bổ sung hình thức đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư (hợp đồng PPP).
Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sẽ ký kết hợp đồng PPP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công. Các hình thức đầu tư còn lại có những thay đổi đáng kể như sau:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giấy CNĐKĐT) và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ và các điều kiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ một số trường hợp hạn chế theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và hình thức hợp đồng BCC:
So với Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư 2014 đã quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục đầu tư, các nội dung chủ yếu của hợp đồng BCC.
Cấp giấy CNĐKĐT
Luật Đầu tư 2014 đã mở rộng đối tượng không phải thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT như: dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế,… Trường hợp có nhu cầu cấp GCNĐKĐT, nhà đầu tư có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp giấy này.
Ngoài ra, Luật Đầu tư 2014 cũng đã bỏ quy định “Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” tại Luật Đầu tư 2005.
Nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01/07/2015 được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Trường hợp có yêu cầu, cơ quan đăng ký đầu tư cấp đổi sang GCNĐKĐT cho nhà đầu tư.
Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Luật Đầu tư 2014 đã bổ sung các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư như sau:
- Cụ thể hóa một số ngành nghề ưu đãi đầu tư như: sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng,…và loại bỏ các ngành, nghề truyền thống khỏi lĩnh vực đầu tư được hưởng ưu đãi;
- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp GCNĐKĐT hoặc quyết định chủ trương đầu tư;
- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
Lưu ý, các dự án quy định tại các mục iii, iv như nêu trên không được áp dụng ưu đãi đầu tư đối với hoạt động khai thác khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô.
Đầu tư ra nước ngoài
Nếu như Luật Đầu tư 2005 không quy định về các hình thức mà nhà đầu tư trong nước có thể đầu tư ra nước ngoài thì Luật Đầu tư 2014 đã cụ thể hóa các hình thức đầu tư ra nước ngoài như: thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài; mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài,…
Ngoài ra, Luật Đầu tư 2014 cũng đã quy định chi tiết về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, điều kiện, thủ tục cấp GCNĐKĐT ra nước ngoài.