Những thông tin cơ quan nhà nước Việt Nam được phép cung cấp trong hợp tác chống rửa tiền?
Vừa qua, Tạp chí Tài chính nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách pháp luật về phòng, chống rửa tiền (PCRT), cụ thể như: Rửa tiền là hoạt động phổ biến và rất khó nhận diện, do đó, việc trao đổi thông tin, tài liệu PCRT giữa các quốc gia là cần thiết. Vậy, những thông tin nào cơ quan nhà nước Việt Nam được phép cung cấp cho đối tác nước ngoài khi hợp tác chống rửa tiền? Các cơ quan, tổ chức nào của Việt Nam có quyền hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền?
Với sự phối hợp, hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia pháp luật, Tòa soạn gửi tới bạn đọc câu trả lời vấn đề trên như sau:
Về nội dung, hình thức và các yêu cầu đối với việc trao đổi, thông tin tài liệu liên quan đến phòng, chống rửa tiền
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP về việc hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, tài liệu về PCRT, thì cơ quan nhà nước Việt Nam được phép trao đổi, cung cấp cho đối tác nước ngoài các loại thông tin, tài liệu sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật, thông tin chung về cơ chế, chính sách trong công tác PCRT; Thông tin chung về công tác PCRT trong từng lĩnh vực; Thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác PCRT.
- Thông tin trong các báo cáo chính thức về việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
- Thông tin, báo cáo trong khuôn khổ thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế và bản ghi nhớ mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
- Thông tin tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình xử lý các giao dịch đáng ngờ.
- Thông tin tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.
- Thông tin khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đầu mối tổng hợp trình Chính phủ quyết định.
Về hình thức, cơ quan nhà nước Việt Nam được phép trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cho các đối tác nước ngoài thông qua các hình thức sau:
- Đối với các tài liệu như: Văn bản quy phạm pháp luật, thông tin chung về cơ chế, chính sách trong công tác PCRT; Thông tin chung về công tác PCRT trong từng lĩnh vực; Thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác PCRT; Thông tin trong các báo cáo chính thức về việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc; Thông tin, báo cáo trong khuôn khổ thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế và bản ghi nhớ mà Việt Nam đã tham gia ký kết… các cơ quan nhà nước Việt Nam thực hiện trao đổi, cung cấp cho đối tác bằng văn bản hoặc bằng thư điện tử (email), fax hoặc phương tiện điện tử khác.
- Đối với các thông tin như: Thông tin tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình xử lý các giao dịch đáng ngờ; Thông tin tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; Thông tin khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đầu mối tổng hợp trình Chính phủ quyết định… các cơ quan nhà nước Việt Nam buộc phải thực hiện trao đổi, cung cấp cho đối tác bằng văn bản.
Các cơ quan nhà nước Việt Nam được phép trao đổi, cung cấp thông tin nếu yêu cầu của các đối tác nước ngoài đảm bảo những yêu cầu sau:
Một là, văn bản yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu ít nhất bao gồm các thông tin sau: Tên tổ chức, quốc gia được yêu cầu, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ email; Tên tổ chức, quốc gia yêu cầu, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ email; Thông tin cụ thể cần trao đổi, cung cấp; Cơ sở, lý do yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; Chủ thể, mục đích sử dụng thông tin, tài liệu được cung cấp; Thời hạn yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; Đặc điểm chi tiết vụ việc hỗ trợ cho việc xác định nơi lưu trữ thông tin, tài liệu cần trao đổi, cung cấp; Bản sao chứng từ, chứng cứ hoặc phán quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu; Tên, chức danh của người có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu, đóng dấu của tổ chức yêu cầu (nếu có).
Hai là, thư, fax yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin phải bao gồm các thông tin sau: Tên tổ chức, quốc gia được yêu cầu; Tên tổ chức, quốc gia yêu cầu, địa chỉ, số fax, địa chỉ email; Thông tin cụ thể cần trao đổi, cung cấp; Cơ sở, lý do yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; Chủ thể, mục đích sử dụng thông tin, tài liệu được cung cấp; Thời hạn yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; Tên, chức danh của người ký văn bản yêu cầu.
Các cơ quan nhà nước Việt Nam có thể từ chối trao đổi, cung cấp thông tin cho các đối tác nước ngoài trong những trường hợp cụ thể sau:
- Thông tin được yêu cầu trao đổi, cung cấp có thể gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của Việt Nam.
- Thông tin được yêu cầu trao đổi, cung cấp không phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
- Yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin không có đầy đủ nội dung theo quy định.
Các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam có quyền hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền thực hiện hoặc làm đầu mối thực hiện trao đổi, cung cấp các thông tin theo quy định.
- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp hoặc hướng dẫn cơ quan có liên quan cung cấp thông tin về các nội dung thông tin trong các báo cáo chính thức về việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và các thông tin, báo cáo trong khuôn khổ thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế và bản ghi nhớ mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
- Bộ Công an, Bộ Tư pháp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao thực hiện hoặc làm đầu mối thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.
- Bộ, ngành, cơ quan khác thuộc Chính phủ tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin như thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật, thông tin chung về cơ chế, chính sách trong công tác PCRT; Thông tin chung về công tác PCRT trong từng lĩnh vực; Thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác PCRT. Đồng thời, thông báo kịp thời bằng văn bản về nội dung, thời gian, các bên liên quan và các chương trình hợp tác quốc tế khác cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao.