Những tuyến, điểm nóng về tội phạm ma tuý trên cả nước
Bộ Công an xác định tình hình tội phạm ma tuý (TPMT) trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tại các địa bàn phía Nam diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, xuất hiện "điểm nóng" mới tại khu vực phía Nam.
Nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm
Quá trình đấu tranh chống TPMT cho thấy nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển.
Hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, các đường dây chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan vào Việt Nam để đi nước thứ ba tiêu thụ.
Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH). Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn.
Nguyên nhân do tuyến chịu tác động trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy từ khu vực Tam giác vàng, dọc tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào còn tồn tại nhiều điểm nóng về ma túy và có xu hướng dịch chuyển mạnh sang các địa bàn miền Trung, Tây Nguyên, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn được thiết lập có sự cấu kết của các đối tượng người Việt Nam với các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Lào, Đài Loan, Trung Quốc để vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào vào Việt Nam.
Ma túy thường được tập kết tại các tụ điểm ở biên giới các tỉnh Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muội, Sa Van Na Khẹt sau đó vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển sang các nước thứ ba. TPMT trên tuyến này hoạt động hết sức manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” tấn công lực lượng chức năng khi phát hiện, truy bắt.
Trong năm 2019, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an đã phối hợp công an các tỉnh triển khai kế hoạch số 86/KH-BCA-C04 ngày 22/3/2019 mở đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp TPMT tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Chỉ trong 3 tháng thực hiện cao điểm đã phát hiện bắt giữ 1.530 vụ, 2.029 đối tượng, thu giữ 117,82 kg heroin, 8,46 kg cần sa, thuốc phiện, 1.490.15 kg MTTH, 304.085 viên MTTH, cùng một số tài liệu có liên quan.
Điển hình, ngày 03/6/2019, tại khu vực Mốc 358 thuộc xã Bát Mọt, Thường Xuân, Thanh Hóa, tổ công tác Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa kiểm tra 01 đối tượng có dấu hiệu nghi vấn đang xâm nhập vào địa bàn, trong khi kiểm tra bất ngờ có 01 đối tượng từ bên kia biên giới dùng súng bắn vào tổ công tác làm đồng chí Vi Văn Nhất hy sinh và 02 đồng chí bị thương, sau đó các đối tượng chạy thoát về phía bên kia biên giới, tại hiện trường thu giữ 12.000 viên MTTH.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tình hình tội phạm hoạt động mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam, một số đường dây từ Bắc Mỹ, Châu Phi quá cảnh Campuchia về Việt Nam, đưa đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc tiêu thụ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong năm 2019, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an đã phối hợp các lực lượng chức năng và công an các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia thực hiện kế hoạch só 194/KH-BCA-C04 ngày 27/5/2019 về mở đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm đã phát hiện bắt giữ 531 vụ, 1.177 đối tượng, thu giữ 48 bánh heroin, 20,723 kg hêrôin, 112,74 kg MTTH, 24.239 viên MTTH, 4,69 kg cần sa, 13 tấn tiền chất… điển hình ngày 21//2019, Công an TPHCM phá chuyên án bắt 02 đối tượng, mở rộng vụ án bắt 11 đối tượng, thu giữ 47 bánh heroin, 07 kg MTTH.
Tại tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian gần đây, lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cường phối hợp tấn công, trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất MTTH từ Trung Quốc về Việt Nam giảm so với trước, tuy nhiên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam (vào các tỉnh Tây Bắc, miền Trung lên các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai) để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp.
Điển hình ngày 23/01/2019, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an phối hợp Công an Lạng Sơn, Cao Bằng triệt phá thành công chuyên án ma túy, bắt 04 đối tượng, thu giữ 250 bánh heroin cùng nhiều tang vật có liên quan.
"Điểm nóng" mới
Trước đây các tỉnh miền núi phía bắc được ví là “sào huyệt” của TPMT tuy nhiên do sự tấn công, trấn áp mạnh của lực lượng chức năng tại các tuyến Đông Bắc, Tây Bắc nên việc thẩm lậu ma túy từ khu vực Tam giác vàng về Việt Nam có xu hướng chuyển dịch sang khu vực biên giới tuyến Tây Nam.
Trong thời gian gần đây, tại khu vực phía Nam, đặc biệt là tại địa bàn TPHCM, TPMT có liên quan đến người nước ngoài diễn biến đặc biệt phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy của Việt Nam.
Các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc) lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, chính sách thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu với danh nghĩa du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh…. móc nối các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty bình phong để sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để núp bóng tổ chức sản xuất trái phép chất MTTH.
Điển hình, vào chiều 11/5/2019, Cục Cảnh sát ĐTTP ma túy, Bộ Công an phối hợp với Công an TPHCM, Bình Dương; Công an quận Tân Phú, Tân Bình và huyện Bình Chánh tổ chức khám xét kho hàng tại đường Liên ấp 2-3-4, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) do đối tượng Liu Ming Yang (34 tuổi, người Đàn Loan) thuê.
Tại kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện 500kg ketamin được cất giấu trong 4 máy ép bao bì. Cùng thời điểm khám xét nhà kho, lực lượng công an cũng khám xét căn nhà trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) bắt được Yang và các đồng phạm gồm Jhu Minh Jyun, Nguyễn Thị Thu Vân, Tô Gia Mỹ thu giữ nhiều vật chứng có liên quan.
Phối hợp triển khai các đợt cao điểm tấn công tội phạm ma tuý
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng phòng chống TPMT trên cả nước đã có nhiều nỗ lực trong hợp tác đấu tranh phòng, chống TPMT tại các tuyến, địa bàn trọng điểm tuy nhiên công tác đấu tranh vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như sau như: Tuyến biên giới giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc có đường biên giới dài, chủ yếu là đồi núi hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tiểu ngạch, các đối tượng phạm tội hết sức manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Công tác nắm tình hình TPMT tại các tuyến, địa bàn trọng điểm còn hạn chế. Việc quản lý, kiểm tra các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, vận tải xuyên quốc gia còn nhiều bất cập, hạn chế là nguyên nhân để TPMT lợi dụng hoạt động phạm tội. Công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Trung Quốc vẫn chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động nhân dân khu vực biên giới vẫn chưa tương xứng với tình hình TPMT.
Các đối tượng phạm tội lợi dụng các mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook… để tiến hành giao dịch, mua bán ma túy gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống TPMT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống TPMT tại các tuyến, địa bàn trọng điểm cần tăng cường phối hợp các cấp, các ngành, các cơ quan thông tin đại chúng tiến hành công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các địa bàn biên giới nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm, vận động quần chúng nhân dân tham gia đông đảo và tích cực tham gia công tác phòng, chống TPMT.
Đẩy mạnh công tác phối hợp tác giữa các lực lượng kiểm soát ma túy khu vực biên giới, tiếp tục phối hợp triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp TPMT. Làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn tại các tuyến, địa bàn trọng điểm từ đó chủ động xây dựng các phương án để đấu tranh triệt phá các đường dây, băng, ổ nhóm TPMT.
Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển trong công tác đấu tranh phòng, chống TPMT, triển khai các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các toán nhóm có vũ trang vận chuyển ma túy qua biên giới.
Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống TPMT đặc biệt là với các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia… đặc biệt là việc trao đổi thông tin về các đối tượng, đường dây cũng như các băng, ổ nhóm để xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá.