Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về thanh toán di động

ThS. Vũ Thị Minh Thu - Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia

Thanh toán di động là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận các khách hàng nhỏ lẻ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, vấn đề quản lý, giám sát hoạt động thanh toán nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ, chống thất thu ngân sách, bảo vệ quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán di động là bài toán đặt ra cấp thiết đối với các cơ quan quản lý. Bài viết đánh giá tổng quan về các quy định hiện hành đối với thanh toán di động, phân tích một số bất cập trong công tác quản lý hoạt động thanh toán di động, khuyến nghị giải pháp điều hành tại Việt Nam.

Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với thanh toán di động tại Việt Nam

Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng phát triển đối với thanh toán di động (TTDĐ), với dân số trên 90 triệu người, có khoảng 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G, với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. TTDĐ đang ngày càng mở rộng, nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Bên cạnh những khó khăn chung các nước trên thế giới từng gặp phải (như các vấn đề về quyền riêng tư của khách hàng, các tranh chấp trong giao dịch thanh toán, vấn đề về bảo mật và giải trình…), TTDĐ tại Việt Nam còn phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Cụ thể:

Thứ nhất, đến nay, chưa có văn pháp lý riêng quy định đầy đủ về quy trình ứng dụng các dịch vụ TTDĐ để tạo dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, thống nhất cho việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử tại Việt Nam. Những quy định mang tính nguyên tắc cơ bản, quan trọng cho thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và TTDĐ nói riêng được thể hiện tại một số văn bản pháp lý. Cụ thể:

- Các vấn đề về dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP. Nghị định quy định về các điều kiện cung ứng dịch vụ; Quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý...

- Các vấn đề liên quan đến dịch vụ trung gian thanh toán được cụ thể hóa tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014. Thông tư này quy định về các dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán; Tài khoản đảm bảo thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ phải mở tài khoản đảm bảo để đảm bảo khả năng thanh toán.

- Các hình thức TTDĐ hợp pháp cũng được quy định tại các văn bản luật về hoạt động thanh toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hoạt động cung ứng Ví điện tử quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN. Thanh toán thẻ qua Mã phản hồi nhanh quy định tại Thông tư số 26/2017/TT-NHNN.

- Nhiều văn bản luật được ban hành nhằm thích ứng nhanh với sự phát triển của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới, chẳng hạn như Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Nghị định số 96/2014/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán; NHNN phối hợp với Bộ Công an trình Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao trong hoạt động thanh toán điện tử…

Tuy nhiên, trong các văn bản pháp lý hiện tại, chưa có quy định cụ thể về hợp tác giữa tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam với tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng nước ngoài; Chưa có quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền giao đại lý cung ứng các dịch vụ thanh toán…

Thứ hai, chưa có giải pháp quản lý hiệu quả các ứng dụng công nghệ thanh toán mới nên nảy sinh vấn đề đối với công tác quản lý thanh toán xuyên biên giới, đe dọa an ninh tiền tệ quốc gia. Điển hình là việc khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đã mua hàng bằng ứng dụng ví điện tử AliPay, WeChat Pay, QR code để thanh toán tại chỗ thay vì dùng thẻ thanh toán quốc tế.

Chủ cửa hàng chỉ cần nhờ người đứng tên mở tài khoản tại Trung Quốc có thể nhận tiền hoặc chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Các giao dịch này không thông qua hệ thống Cổng Thanh toán quốc gia hay các ngân hàng và trung gian thanh toán của Việt Nam. Cơ quan quản lý Việt Nam cũng không thể có được dữ liệu về quy mô giao dịch, số lượt hay tần suất giao dịch.

Cuối năm 2017, lần lượt AliPay và WeChat Pay đều đã chính thức bắt tay với các đối tác để triển khai dịch vụ tại Việt Nam. Tập đoàn Alibaba đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Công nghệ Vi mô hợp thác với WeChat Pay cho phép du khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử thanh toán bằng đồng Việt Nam tại các cửa hàng chấp nhận VIMO.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hoạt động thanh toán trái phép vẫn diễn ra. Nhưng cơ sở pháp lý mờ nhạt nên đi kèm với sự phát triển của các phương thức thanh toán mới là những rủi ro trong việc thanh toán qua trung gian, nhất là thanh toán từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Thứ ba, những hình thức thanh toán không hợp pháp gây khó khăn trong quản lý và thất thu thuế cho cơ quan quản lý nhà nước, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Hoạt động trao đổi hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam nhưng thực chất dòng tiền đang diễn ra giữa tài khoản ngân hàng của người bán và người mua lại diễn ra trong vùng lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi giao dịch, rất có thể người bán sẽ thu hồi tiền bằng đường chuyển ngân lậu. Đối với các giao dịch như trên cơ quan quản lý không có công cụ nào để kiểm soát được dòng tiền, không xác định được giá trị hàng hóa trao đổi, không thu được thuế, các ngân hàng mất phí thanh toán.

Thứ tư, các ứng dụng thánh toán phát triển rất đa dạng, nhiều tiện ích nhưng chưa đồng bộ và chuẩn hóa. Việc chưa có chuẩn hóa về định dạng và chưa có cơ chế rõ ràng để bảo vệ người dùng cũng là vấn đề đặt ra.

Trên thực tế, người dùng phải tải nhiều ứng dụng khác nhau và phải nộp tiền vào nhiều ví điện tử khác nhau để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Bên cạnh đó, các mã QR chưa được chuẩn hóa, nên mỗi mặt hàng thường có nhiều mã QR khác nhau. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý TTDĐ.

Thứ năm, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông đặt ra những thách thức, khó khăn trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Sự hình thành các tổ chức không phải là ngân hàng, các công ty fintech tham gia vào lĩnh vực thanh toán cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, phát triển và giám sát các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới...

Thứ sáu, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát các hoạt động thanh toán chui còn thiếu chặt chẽ. Các hình thức TTDĐ đều được thực hiện qua điện thoại, diễn ra rất nhanh và không có hóa đơn, chứng từ khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát và phát hiện được các hoạt động thanh toán gian lận, bất hợp pháp.  

Giải pháp quản lý và phát triển thanh toán di động tại Việt Nam

Quá trình phát triển của hình thức TTDĐ tại Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và thiếu những biện pháp quản lý hữu hiệu. Để công tác quản lý nhà nước về TTDĐ đạt hiệu quả tốt, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan quản lý các vấn đề về thương mại, công nghệ, du lịch, truyền thông... Trong đó, vai trò quan trọng trước tiên thuộc về Ngân hàng Nhà nước – cơ quản quản lý hoạt động thanh toán trong nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng chính sách cụ thể hơn nữa cho các hoạt động TTDĐ. Cụ thể:

- Ngân hàng thương mại giao đại lý cung ứng các dịch vụ thanh toán.  Các đại lý (không phải ngân hàng, được ngân hàng ủy quyền) thay mặt ngân hàng cung ứng các dịch vụ đến khách hàng thông qua việc sử dụng mang lưới giao dịch, các thiết bị kỹ thuật, công nghệ sẵn có của đại lý. Đại lý chỉ là điểm tiếp nhận và xử lý ban đầu các giao dịch.

Ngân hàng sẽ thực hiện xử lý các bước còn lại để hoàn tất giao dịch (hiện nay, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 mới có quy định về việc ngân hàng thương mại được nhận làm đại lý cho các tổ chức, cá nhân nhưng chưa có quy định về việc ngân hàng thương mại là bên giao đại lý).

- Cho phép tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam (do NHNN cấp phép) hợp tác với tổ chức trung gian thanh toán nước ngoài để cung ứng các dịch vụ thanh toán quốc tế. Khi du khách nước ngoài thực hiện giao dịch hàng hóa, tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam sẽ xử lý dữ liệu và gửi cho các tổ chức nước ngoài, chuyển tiền về tài khoản của tổ chức này tại ngân hàng Việt Nam, sau đó chuyển đến tài khoản của đơn vị chấp nhận thanh toán. Các tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam đóng vai trò là trung gian, kết nối và truyền dẫn dữ liệu giao dịch thanh toán giữa các bên.

- Triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp, chọn lọc các hình thức thanh toán có thể phát triển được trước khi được luật hóa cụ thể. Tuy nhiên, việc áp dụng thí điểm vẫn phải đảm bảo những khuôn khổ pháp lý nhất định và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

- Thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là các hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ  bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công Thương; Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát các hành vi trái phép trong hoạt động thanh toán thuộc phạm vi bộ ngành mình quản lý. Cụ thể:

- Hoàn thiện pháp lý về quản lý thuế đối với các hoạt động TTDĐ.

- Chú trọng đầu tư công nghệ, xây dựng mạng lưới và tăng cường bảo mật. Trong đó, cơ quan quản lý cần đóng vai trò trung tâm trong chuẩn hóa các ứng dụng thanh toán, đảm bảo tính liên thông và tăng cương tính bảo mật trong thanh toán.

- Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để kiểm soát các hoạt động thanh toán này và phát hiện các gian lận, bất hợp pháp. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra liên ngành đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh phục vụ khách du lịch và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nếu xảy ra vi phạm.

- Quản lý chặt vấn đề về xuất nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp lao động chui, lợi dụng visa du lịch vào Việt Nam để ở lại kinh doanh bất hợp pháp.

- Cần ưu tiên thúc bằng các chiến lược tài chính toàn diện quy mô quốc gia, trong đó TTDĐ là một cấu phần quan trọng để mang đến những tiện ích tốt nhất đến được với người dân và xã hội.

Việc khắc phục và giải quyết được những bất cập trong quản lý nhà nước đối với các hình thức thanh toán mới như TTDĐ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và nền kinh tế.

Việc phát triển mô hình thanh toán mới, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông là phù hợp xu hướng phát triển thanh toán trên thế giới, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường lưu thông hàng hóa dịch vụ, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Mô hình này mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, đồng thời cơ quan quản lý cũng kiểm soát được các vấn đề về thuế, phí, phòng chống rửa tiền, đảm bảo an ninh và an toàn cho hệ thống thanh toán quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghiêm Thanh Sơn (2018), Nâng cao vai trò giám sát các hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tình hình mới;
  2. Văn bản hợp nhất số 43/VBHN-NHNN, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN, Thông tư 26/2017/TT-NHNN của NHNN và các văn bản luật khác liên quan;
  3. Sunil Gupta (2013) The Mobile Banking and Payment Revolution.  Available at https://www.hbs.edu/faculty/Publication%20Files/The%20Mobile%20Banking%20and%20Payment%20Revolution1_b37fc319-e15f-46c8-b2f9-c0d4c8327285.pdf;
  4. Tecent Research Institue (2017). 2017 Mobile payment usage in China report;
  5. Global and China Mobile Payment Industry Report, 2017-2021;
  6. https://napas.com.vn/tin-tuc/tin-thi-truong/han-che-rui-ro-trong-cac-he-thong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tai-viet-nam-2-351.html
  7. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Siet-quan-ly-hoat-dong-thanh-toan-qua-POS-vi-dien-tu/345604.vgp.