Đưa thanh toán di động đến gần người dùng
Cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện nay là cuộc đua về dịch vụ ứng dụng thanh toán qua smartphone.
Hiện nay, cạnh tranh giữa các ngân hàng thấy rõ nhất là việc cung cấp ứng dụng thanh toán trên nền di động nhằm đem lại dịch vụ tiện lợi nhất cho khách hàng.
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ngày 21/11 đã giới thiệu tính năng chuyển tiền nhanh trên mạng xã hội (MyVIB Social keyboard) trong vòng 5 phút tới khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng di dộng MyVIB.
Theo đó, khách hàng khi đang chat trên Facebook Messenger, Viber, Zalo, Whatsapp, WeChat, Twitter, Snapchat và có nhu cầu chuyển tiền tới người đang chat, chỉ cần bấm chọn chế độ MyVIB Keyboard-MyVIB là chuyển tiền được ngay mà không phải mở thêm bất cứ chương trình nào.
Với ứng dụng này, mọi thao tác chuyển tiền nội bộ cũng như liên ngân hàng sẽ diễn ra ngay tại màn hình chat một cách đơn giản, nhanh chóng và hạn chế tình trạng chuyển sai người nhận.
Trước đó, VIB đã hợp tác với KiotViet triển khai ứng dụng thanh toán di động cho các cửa hàng bán lẻ.
Không chỉ có VIB, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã liên tục ứng dụng các giải pháp mới thanh toán di động. Điển hình là mới đây, Sacombank đã kết hợp với Samsung triển khai ứng dụng Samsung Pay. Với ứng dụng này, khách hàng có thể cà thẻ thanh toán tại bất kỳ đơn vị chấp nhận thẻ Sacombank nào mà không cần phải mang theo thẻ ngân hàng.
Trước đó, vào tháng 7/2017, Sacombank cũng đã triển khai thẻ ngân hàng thanh toán không tiếp xúc Contactless.
Giữa tháng 10, ngân hàng này lại cho ra đời ứng dụng di động mCard dành cho chủ thẻ Sacombank để thanh toán bằng cách quét mã QR (Sacombank QR Pay) tại các điểm bán hàng mà không cần phải dùng tiền mặt, không phải mang thẻ hay đưa thẻ cho nhân viên cửa hàng.
Các ngân hàng BIDV, DongA Bank, Techcombank... cũng liên tục giới thiệu những ứng dụng thanh toán di động đến khách hàng.
Biểu đồ về tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam |
Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có 41 ngân hàng thương mại cổ phần cung ứng dịch vụ thanh toán qua di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Chỉ trong 9 tháng năm 2017, đã có 90 triệu lượt giao dịch thanh toán qua điện thoại di động với giá trị giao dịch đạt hơn 423.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua smartphone để chi trả tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm...
Chia sẻ về xu hướng sử dụng thanh toán trên di động, ông Trần Nhất Minh - Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, các ứng dụng trên di động không chỉ là những trải nghiệm thú vị về dịch vụ ngân hàng trên smartphone và máy tính bảng đối với những người có nhu cầu mua sắm và chuyển tiền trên mạng xã hội ngay khi đang chat, mà còn được kỳ vọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán qua điện thoại di động. Cụ thể, số lượng thuê bao di động có phát sinh lưu lượng khoảng 130 triệu, trong đó có khoảng 41,8 triệu thuê bao sử dụng 3G, 4G, có đến trên 55% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Nhóm khách hàng sử dụng điện thoại thông minh là những người ưa chuộng phương thức thanh toán mới, đặc biệt là thanh toán dựa trên nền tảng di động.
Báo cáo thị trường Mobile Việt Nam năm 2017 của Appota - nhà cung cấp các nền tảng trên smartphone công bố hồi tháng 4/2017 cho thấy, số người sử dụng smartphone tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2013 chỉ 20% dân số dùng smartphone thì tỷ lệ này đã tăng lên 72% vào năm 2016. Tính đến hết tháng 6/2017, Việt Nam có khoảng 45 triệu thuê bao di động băng rộng gồm cả 3G lẫn 4G.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch Phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn thị trường sẽ có ít nhất 300.000 máy quẹt thẻ (POS), đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm.
Để đạt kế hoạch này, một trong những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là hoàn thiện hạ tầng và áp dụng các công nghệ thanh toán mới, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi, trong đó bao gồm thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chip, thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ VFC/MST, thanh toán qua QR Code.
Với những điều kiện thuận lợi như đã nêu, nếu phát triển tốt dịch vụ thanh toán di động sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Với người tiêu dùng, việc sử dụng điện thoại di động để thanh toán thay cho các phương tiện khác sẽ tiện lợi và an toàn hơn, và nhờ vậy sẽ hạn chế được việc mất cắp tiền và lộ thông tin tài khoản cá nhân.