Thanh toán di động: Chọn “đua nở”, hay chọn “đối trọng”
Thanh toán di động phát triển thành xu thế tất yếu, được dự báo sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự bùng nổ này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, không đem lại nhiều lợi ích như mong muốn, nếu thiếu những biện pháp quản lý hữu hiệu.
Theo dự báo của Statista, thanh toán di động tại Việt Nam có khả năng đạt mức tăng trưởng hàng năm lên tới 75,4% trong giai đoạn 2017 – 2021.
Tính đến đầu tháng 10/2017, thanh toán qua mã QR (QR code) tại Việt Nam tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng chóng mặt, đạt gần 5.000 điểm và dự báo sẽ chạm mốc trên 50.000 điểm vào năm 2018.
Bùng nổ ví điện tử
Không chỉ có sự hiện diện của những tên tuổi như Samsung Pay, Alipay (chưa chính thức), thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự “nở rộ” các ứng dụng thanh toán di động. Đã có hàng loạt đơn vị cung cấp dịch vụ, từ ngân hàng đến các fintech, đồng loạt nhảy vào thị trường giàu tiềm năng này.
Đến nay, cả nước đã có 25 ứng dụng ví điện tử được cấp phép như MoMo, Money, WMN, Lover, VinaPay, Payoo, Ngân Lượng, Mobivi… Ngoài ra, đang có 12 ngân hàng triển khai thanh toán bằng mã QR (QR Code).
Các nhà mạng cũng không nằm ngoài cuộc đua, VinaPhone hợp tác với Vietinbank để tiên phong áp dụng thanh toán qua QR code cho hóa đơn di động. Sau đó MobiFone cũng bắt tay với VPBank chính thức ra mắt dịch vụ tài chính di động.
Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng Giám đốc Napas, dự báo tới năm 2020, khi Việt Nam cơ bản chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip, những đại gia công nghệ như Apple Pay, Google play… cũng có thể sẽ tiến vào thị trường Việt Nam.
Các ứng dụng ví điện tử bùng nổ dường như là tín hiệu tích cực của thị trường thanh toán di động. Nhưng việc có quá nhiều ứng dụng này lại khiến người dùng bối rối, không biết lựa chọn loại nào phù hợp.
Khảo sát cho thấy các nhà kinh doanh đang sử dụng rất nhiều loại ứng dụng thanh toán, khiến người dùng phải tải đồng loạt nhiều ứng dụng khác nhau, đồng nghĩa phải nộp tiền vào nhiều ví điện tử khác nhau để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Ngoài ra, do mã QR chưa được chuẩn hóa, nên mỗi mặt hàng thường có nhiều mã QR khác nhau, gây phiền toái, và khiến người tiêu dùng ngại dùng phương thức thanh toán di động.
Nói về phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, tỷ phú Jack Ma cho biết, sở dĩ Trung Quốc có thể thay đổi thói quen thanh toán của người dân từ coi trọng tiền mặt sang thanh toán di động là bởi sự lớn mạnh của hai ứng dụng thanh toán di động phổ biến nhất là WeChat Pay (Tenpay) của Tencent, và AliPay của Alibaba (chiếm 54% thị phần).
Sự lớn mạnh ấy luôn đi đôi với uy tín, bảo mật và tiết kiệm. “Chúng tôi quan tâm tới bảo mật còn hơn chính phủ. Với người dùng, bạn mất 1 USD, tôi đền 1 USD, mất 1 triệu USD tôi đền 1 triệu USD. Dùng COD (chuyển phát nhanh) mất 50 USD, thanh toán điện tử chỉ mất 1 USD” – tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh.
Đừng thành “pháo hoa”
Tình hình tại Việt Nam có thể gần với hình dung của tỷ phú người Trung Quốc. Dù các ứng dụng thanh toán di động đang nở rộ, nhưng lại chưa có chuẩn hóa về định dạng và cũng chưa có cơ chế rõ ràng để bảo vệ người dùng khi có rủi ro xảy ra. Tất cả đều có thể trở thành rào cản khiến khoảng cách giữa người dùng và các phương thức thành toán di động nới rộng hơn.
Đó đích thực là cơ hội với ông Jack Ma. Hiện việc Alipay thăm dò thị trường Việt Nam qua một doanh nghiệp Việt đã là hiện thực. Việc ứng dụng này xuất hiện chính thức chỉ là vấn đề thời gian.
Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp “thuần Việt” trên thị trường này lại chưa có nổi một tên tuổi nào đủ lớn để làm đối trọng với AliPay. Do thế, thị trường thanh toán di động tại Việt Nam hoàn toàn có thể bị AliPay xâm thực thị phần.
Với tiềm lực tài chính lớn mạnh, kinh nghiệm dày dặn và đặc biệt tính đơn giản, phù hợp với đặc điểm sử dụng của người dùng tại các thị trường mới nổi, AliPay có đầy đủ lợi thế để lập tức chiếm giữ vị thế áp đảo trên thị trường thanh toán di động Việt.
Chẳng hạn, nếu Apple Pay, Android Pay đòi hỏi người bán hàng phải có thiết bị thanh toán hỗ trợ và do thế, người tiêu dùng phải biết sử dụng NFC, còn Samsung Pay mới xuất hiện, trong khi AliPay chỉ cần một chiếc điện thoại có ứng dụng chụp hình là đủ để sử dụng.
Theo Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý với các tiêu chuẩn thống nhất cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động,… đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.
Điều đó đúng, nhưng dường như lại là chưa đủ. Dù Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt xuống dưới 10% vào năm 2020, song triển khai như thế nào lại là thách thức không dễ xử lý.
Bản thân các ứng dụng thanh toán thuần Việt vẫn còn “trăm hoa đua nở” mà không có nền tảng chung, toàn thị trường thiếu hẳn một doanh nghiệp kinh doanh đa dạng kiểu Alibaba, và đủ tiềm lực để cạnh tranh với doanh nghiệp này… Đó là thách thức vượt khỏi hình dung và vượt khỏi ý chí của cơ quan quản lý.
Mở rộng thanh toán di động để tạo lợi ích cho người dân là cần thiết, tuy nhiên Việt Nam nên chọn “bùng nổ” ứng dụng này, hay đầu tư có định hướng cho một vài doanh nghiệp để nhanh chóng có đối trọng với sức mạnh với các hãng nước ngoài. Câu hỏi này, đáng tiếc chưa có ai trả lời, bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước.