Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh


Kinh tế trí tuệ nhân tạo (AI) là một xu thế phát triển tất yếu mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nghiên cứu tiếp cận trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Trước sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của AI, nhiều quốc gia đã chú trọng phát triển nền kinh tế gắn với AI, tận dụng tối đa những lợi ích mà AI mang lại để phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, với vai trò và vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. Hồ Chí Minh là địa phương phù hợp nhất để theo hướng phát triển kinh tế AI. Bài viết đưa ra những cơ sở lý thuyết và phân tích những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế AI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để góp phần giúp Thành phố có những quyết sách phù hợp trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo như hiện nay, xu hướng phát triển kinh tế AI đã được các quốc gia tiệm cận từ rất sớm. Tại Việt Nam, sau khi Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 được tổ chức tại TP. Hà Nội với chủ đề “Kỷ nguyên Kinh tế Trí tuệ nhân tạo và Doanh nghiệp Việt Nam”, thuật ngữ “kinh tế trí tuệ nhân tạo” đã được nhắc đến và lan rộng. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế AI tại Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa có sự định hướng rõ ràng và nhất quán cho từng địa phương.

TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, lớn và hiện đại nhất Việt Nam, dẫn đầu về kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục; là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển, có sức hút mạnh mẽ và sức lan tỏa lớn trên cả nước. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu: “... sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP. Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng ban hành Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030” với mục tiêu đưa AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững. Hơn nữa, từ khi khu đô thị tương tác cao phía Đông - “Thành phố Thủ Đức” được thành lập theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP. Hồ Chí Minh đã có thêm cực tăng trưởng mới, góp phần đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế AI và các hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Thông qua Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 23/2/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành về việc phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”, chúng ta có thể xác định được một số mục tiêu cụ thể hơn về phát triển kinh tế AI của TP. Hồ Chí Minh. Thành phố xác định “Ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo nói riêng và công nghệ thông tin nói chung sẽ trở thành ngành kinh tế nền tảng có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GRDP của Thành phố thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh, bền vững”.

Qua đó có thể thấy, Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế AI là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu và nhất quán trong việc xác định phát triển kinh tế AI là nhiệm vụ trọng tâm giúp Thành phố phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế AI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn chưa thật sự rõ nét, đòi hỏi phải xác định được những vấn đề trước hết đặt ra trong phát triển kinh tế AI và có phương án giải quyết được chúng thì Thành phố mới phát huy, tận dụng được hết tiềm năng của mình.

Cơ sở lý thuyết

Trí tuệ nhân tạo

Có thể hiểu một cách đơn giản, AI là một nhánh của khoa học máy tính liên quan đến việc xây dựng các hệ thống, máy móc thông minh có khả năng thực hiện các tác vụ mang trí tuệ con người, do con người tạo ra nhưng có thể học hỏi, tư duy như con người, bắt chước cách tư duy tự nhiên của con người để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, AI có thể xử lý dữ liệu ở mức độ rộng hơn, quy mô lớn hơn, một cách hệ thống và khoa học với tốc độ nhanh hơn so với con người.

Kinh tế trí tuệ nhân tạo

Kinh tế trí tuệ nhân tạo là nền kinh tế mà các chủ thể đầu tư và áp dụng công nghệ AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và một số lĩnh vực tiềm năng nhất định, từ đó mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao, nhanh, bền vững. Một nền kinh tế mà việc ứng dụng AI cho phép nhà nước, doanh nghiệp và người dân xử lý công việc nhanh hơn, đưa ra quyết sách có cơ sở khoa học, thông minh và đáng tin cậy hơn, đồng thời nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo

Thể chế có vai trò quyết định đến sự hình thành và hoạt động của cơ chế, chính sách và cơ chế điều hành và hành vi ứng xử của con người. Thể chế là căn cứ về nguyên tắc để hình thành chính sách và chính sách giữ vai trò tác động trực tiếp đến sự vận hành của cơ chế. Như vậy, cơ chế và chính sách có quan hệ tương hỗ. Vì vậy, để quyết định phát triển kinh tế AI, phải xác định hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết. Từ đó, tạo sự thống nhất cao và quan điểm nhất quán trong phát triển kinh tế AI cũng như có được một hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển kinh tế AI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Phát triển kinh tế AI là một lĩnh vực mới và có nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu quyết sách của Thành phố không tiếp cận một cách thận trọng, thấu đáo, bao quát. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm mà Thành phố phải phấn đấu đạt được nên yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có tầm nhìn chiến lược và lộ trình từng bước phát triển phù hợp là vấn đề trước hết, tiên quyết cần Thành phố phải giải quyết.

Sự thích nghi, năng lực phản ứng chính sách của chính quyền TP. Hồ Chí Minh

Trong các lĩnh vực công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0, như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu (Big Data and Data Analytics), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ AI, việc gặp phải những rào cản về mặt thể chế, chính sách và pháp luật là điều không thể tránh được. Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã có những phản ứng khác nhau trước những thách thức pháp lý liên quan đến các lĩnh vực công nghệ mới này, từ việc “thận trọng” và “thí điểm và học hỏi”, đến việc “cấm toàn bộ” các mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ dựa trên công nghệ mới AI.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế AI là một vấn đề lớn chính quyền TP. Hồ Chí Minh phải nghiên cứu kỹ và cẩn trọng. Dẫu biết rằng phát triển kinh tế AI là xu hướng tất yếu trong bối cảnh kỷ nguyên AI tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nhưng đối với những đối tượng mới, còn nhiều tranh cãi về AI thì đòi hỏi các cơ quan nhà nước của TP. Hồ Chí Minh phải có sự thích nghi nhanh chóng, năng lực phản ứng chính sách tốt. Đây là yêu cầu đặt ra không chỉ riêng đối với TP. Hồ Chí Minh mà cho bất cứ quốc gia, địa phương nào, vì việc phát triển AI vẫn còn bất cập chưa thực sự được ủng hộ và khuyến khích tại Việt Nam, nếu không được quản lý và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, đồng thời triển khai một lĩnh vực mới mang tính phi truyền thống thường gặp lúng túng, thiếu kinh nghiệm.

Thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu về AI

Theo báo cáo mới nhất của Oxford Insights (Vương quốc Anh), Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc về chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022. Việt Nam đạt vị trí thứ 55 trong 181 quốc gia được đánh giá, tăng 7 bậc so với năm 2021 và tăng 21 bậc so với năm 2020. Việt Nam cũng xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ được xây dựng dựa trên 39 chỉ số thuộc ba trụ cột chính là chính phủ, trình độ công nghệ và hạ tầng/dữ liệu. Các chỉ số này bao gồm 10 khía cạnh như cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kỹ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn. Báo cáo cho thấy, Việt Nam có điểm trung bình là 53,96, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 44,61. Điểm cao nhất của Việt Nam thuộc về khía cạnh quy mô (76,67), thể hiện sự phát triển của ngành Công nghệ trong khu vực Đông Á. Theo báo cáo, có 9 quốc gia Đông Á có công ty kỳ lân (trị giá hơn 1 tỷ USD) trong năm 2022, trong đó có Việt Nam. Điểm thấp nhất của Việt Nam thuộc về khía cạnh nguồn nhân lực (36,67), cho thấy thiếu hụt nhân lực AI có trình độ cao trong nước. Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực AI hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thị trường.

Theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010, Việt Nam cần đến 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin vào năm 2020. Thế nhưng đến nay đã là năm 2023, cả nước hiện chỉ có hơn 177.000 sinh viên đại học, cao đẳng về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông hệ chính quy đang theo học tại hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Cả hệ thống đào tạo hiện chỉ có thể cung cấp khoảng 600.000 lao động công nghệ thông tin. Còn tính về cơ sở đào tạo đúng nghĩa chuyên sâu về AI thì lại càng hiếm hơn. (Tấn Ba & Thanh Hùng, 2022)

Việc phát triển AI không chỉ đòi hỏi kinh phí lớn mà còn cần nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Hiện tại, nhân lực AI cũng là những đối tượng được săn đón không chỉ bởi các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với những tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực AI ở nước ta đang ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng. Công nghệ AI phát triển rất nhanh và sâu nên khó tìm được đội ngũ nhân lực hoặc chuyên gia có đủ và sâu kiến thức để theo kịp sự phát triển này. Mặc dù với tiềm lực là một thành phố trẻ có mật độ khoa học - công nghệ cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở tổ chức liên quan nhưng nguồn nhân lực có chuyên môn cao và sâu về AI lại là bài toán đau đầu đối với TP. Hồ Chí Minh, đến nay vẫn còn khó khăn, chưa có giải pháp. Đặc biệt khi Thành phố đã xác định phát triển kinh tế AI và muốn AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì chắc chắn phải thu hút được đội ngũ nhân lực về AI chất lượng cao để giúp Thành phố hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Đảm bảo thông tin dữ liệu và quyền riêng tư của cá nhân

Chất lượng dữ liệu là vấn đề then chốt trong nghiên cứu AI, bởi 80% công việc nghiên cứu AI hiện nay là xử lý dữ liệu. Thực tế cho thấy, các công ty, tập đoàn phát triển được các phần mềm, công nghệ AI thành công và đem lại lợi nhuận khổng lồ, nắm ưu thế trên thị trường đều là những tập đoàn, công ty có nguồn dữ liệu cực kỳ lớn và chất lượng.

AI mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro về quyền riêng tư khi dữ liệu cá nhân bị lấy cắp, lạm dụng hoặc khai thác bất hợp pháp. Một ví dụ gây tranh cãi là Công ty DeepMind, một đơn vị của Google, bị cáo buộc đã vi phạm luật và quy tắc của Anh về bảo vệ dữ liệu và bảo mật bệnh nhân khi phát triển ứng dụng AI cho Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS). Để đối phó với thách thức này, nhiều nước và tổ chức đã có những biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số. Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng Đạo luật Bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation - GDPR) từ năm 2018. Đạo luật này quy định rõ ràng về dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền được lãng quên khi sử dụng thông tin người khác. Trong khi đó, ở Việt Nam, các quy định về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân còn thiếu sót. Chỉ có một số quy định chung chung tại Điều 21 Hiến pháp 2013, Điều 31 Bộ luật Dân sự 2015, hoặc gần đây nhất là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân và một số văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, các quy định này chưa đưa ra các cơ chế để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm quyền riêng tư liên quan đến AI một cách cụ thể, nhanh chóng.

Vì vậy, trước khi quyết định về việc phát triển kinh tế AI, TP. Hồ Chí Minh cần có những đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, Quốc hội, cũng như có những phương án, cơ chế bảo vệ để đảm bảo tuyệt đối thông tin dữ liệu và quyền riêng tư của cá nhân của mỗi người, không bị đánh cắp, sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tư cách pháp lý của trí tuệ nhân tạo

AI đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống ở Việt Nam và tạo ra những kết quả đáng chú ý. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đến chính sách phát triển AI, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và khung pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến AI vẫn còn thiếu sót. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta chưa có không gian pháp lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp luật có liên quan đến công nghệ này. Do vậy, trước viễn cảnh AI phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và để phát triển kinh tế AI ở TP. Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu và đề xuất những giải pháp, kịch bản cụ thể là rất cần thiết. Để có những giải pháp tối ưu cho các thách thức pháp lý do AI gây ra, bước đầu tiên là xác định tư cách pháp lý cho AI theo xu hướng chung. Đây là một vấn đề khá nan giải đặt ra yêu cầu nếu phát triển kinh tế AI tại TP. Hồ Chí Minh mà AI lại không được rõ ràng về tư cách pháp lý sẽ dễ dẫn đến nhiều rủi ro, bất cập phát sinh mà cơ quan nhà nước không có căn cứ để xử lý, giải quyết. Điển hình như ở Mỹ, hiện nay vẫn có sự tranh cãi về tư cách pháp lý của AI, như việc các công ty áp dụng AI để sản xuất xe tự động không người lái, người dân mua về sử dụng và xe này gây tai nạn trong khu đô thị. Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Người chủ xe hay người sản xuất ra xe hay người lập trình, viết ra phần mềm điều khiển xe?

Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, AI là một thực thể nhân tạo, không phải thực thể tự nhiên như con người. Do đó, không thể gộp AI vào nhóm chủ thể là cá nhân và hiển nhiên AI cũng không phải là tổ chức, không mang các đặc điểm để được công nhận là pháp nhân theo quy định. Mặt khác, cũng không nên coi AI chỉ là một công cụ, bởi lẽ, trong tương lai, viễn cảnh AI tự mình tham gia vào các quan hệ xã hội một cách độc lập là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc coi AI là tài sản, công cụ hay sản phẩm là chưa phù hợp với trình độ phát triển của AI. Từ các lập luận này, có thể thấy, giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề là trao tư cách pháp lý cho AI, coi nó là một chủ thể độc lập với các chủ thể thực tại, từ đó xây dựng khung pháp lý riêng điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến AI (Bùi & Nguyễn, 2021). Việc công nhận tư cách pháp lý và quyền của AI cũng cần phải đảm bảo vị trí tối thượng đối với việc quản lý và điều hành xã hội phải do con người nắm giữ và phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Khả năng nhận diện, tiếp cận kịp thời của chính quyền TP. Hồ Chí Minh để ban hành, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội trong tiến trình phát triển kinh tế AI

Người yếu thế là những người phải chịu đựng nhiều thiệt thòi, bất lợi hơn trong các mối quan hệ xã hội, lao động hay pháp luật khi rơi vào cùng một hoàn cảnh với những người khác. Điều này có nghĩa là họ không có lợi thế hay quyền lợi bình đẳng trong các mối quan hệ đó. Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu, phạm vi xem xét và loại quan hệ mà họ tham gia, người ta có thể phân loại những nhóm người hay chủ thể nào là yếu thế. Khi nhắc đến nhóm người yếu thế trong xã hội, chúng ta thường nghĩ đến là người già, trẻ em, phụ nữ, cộng đồng LGBT, người khuyết tật,... Tuy nhiên, khi nghiên cứu, xem xét nhóm đối tượng yếu thế trong tiến trình phát triển kinh tế AI, cần xác định theo 2 nhóm chủ thể sau:

(1) Nhóm chủ thể không có đủ điều kiện, cơ hội để tiếp cận, sử dụng công nghệ AI hoặc những chủ thể này gặp rào cản, bất lợi, làm hạn chế khả năng tự tiếp cận công nghệ AI.

(2) Nhóm chủ thể dễ bị tác động và tổn thương trước những biến động và thay đổi của nền kinh tế (chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ).

Tính đến nay, có thể thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm số lượng rất lớn trên tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp tại Thành phố, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, đa phần là những đối tượng có sức đề kháng, chống chịu và khả năng tự vượt qua khó khăn yếu trong bối cảnh chuyển dịch nền kinh tế AI. Vì vậy, trong quá trình phát triển mục tiêu kinh tế AI, Thành phố cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời, quan tâm đến nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần lưu ý đến những vấn đề giải quyết việc làm cho người dân khi AI có khả năng thay thế và làm tốt hơn một số công việc mà trước đây do con người đảm nhận; kiểm soát được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về công nghệ AI, có kho dữ liệu lớn, tránh trường hợp thao túng, cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền dữ liệu mà không chia sẻ với nhau để tạo ra tri thức,... ảnh hưởng đến xã hội, gây bất lợi cho người dân.

Kết luận

Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vai trò dẫn dắt của TP. Hồ Chí Minh trong tăng trưởng của cả nước, cấp thiết phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh, đột phá để thực hiện mục tiêu đó. Cùng với sự phát triển nhanh chóng và tác động của các công nghệ mới về AI trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì cơ chế, chính sách mới theo xu hướng phát triển kinh tế AI rất phù hợp với thực tiễn của Thành phố. Trên cơ sở những vấn đề đặt ra trên, nếu Thành phố giải quyết triệt để thì chắc chắn rằng mục tiêu phát triển kinh tế AI sẽ thành công, từng bước khẳng định vị thế, vai trò, sứ mạng của TP. Hồ Chí Minh, xứng tầm là một siêu đô thị, động lực thúc đẩy phát triển của cả nước và của vùng Đông Nam bộ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  2. Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2021). Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 23/2/2021 phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”.
  3. Bùi, N. T. H., & Nguyễn, L. T. (2021). Xác lập tư cách pháp lý cho trí tuệ nhân tạo. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (436). Truy cập tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210863
  4. Tấn Ba, & Thanh Hùng (2022). Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo - Bài 3: Cần giải pháp tổng thể. Truy cập tại: https://www.sggp.org.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-tri-tue-nhan-tao-bai-3-can-giai-phap-tong-the-post635486.html
Theo tapchicongthuong.vn