Những vi phạm bị tăng rất nặng mức phạt, người điều khiển ô tô cần biết
Dự thảo sửa đổi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đề xuất tăng nặng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô...
Để đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới, Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm đối với người điều khiển xe ô tô.
Cụ thể, mức phạt 1,2 - 3 triệu đồng sẽ tăng lên 2 - 4 triệu đồng đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ôtô, tương tự xe ôtô.
Cùng đó, mức phạt 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng hiện nay sẽ tăng lên 3 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng với người lái xe ô tô có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng dưới một tháng; xe không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hãm nhưng không tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Mức phạt 4 - 6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng sẽ tăng lên thành 10 - 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng với người lái xe ô tô quá niên hạn; xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế quá thời gian cho phép.
Điểm đáng chú ý nữa, hiện nay chỉ quy định một mức xử phạt hành vi người có giấy phép lái xe ô tô để quá hạn 6 tháng với mức phạt 4 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 100, hành vi này được chia nhỏ thành 2 mức: giấy phép lái xe quá hạn dưới 3 tháng và quá hạn trên 3 tháng với các mức xử phạt khác nhau.
Theo đó, dự thảo quy định: Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng.
Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên; không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Một số hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông như: lái xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên hiện bị phạt 3 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 - 4 tháng, được đề xuất tăng thành 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 - 4 tháng.
Hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng quy định, quay đầu trên cao tốc hiện mức phạt là 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 - 4 tháng, dự kiến tăng lên thành 10 - 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 - 4 tháng.
Đối với hành vi đua xe, dự thảo Nghị định điều chỉnh mức phạt từ 8 - 10 triệu đồng thành 20-25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính hiện nay chưa phù hợp, cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm về quy tắc giao thông; vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; vi phạm quy định về điều kiện người điều khiển xe cơ giới...
"Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, bảo đảm tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông", bà Hạnh cho biết.