Những vũ khí thương mại Trump có thể tung ra tiếp với Trung Quốc

Theo VnExpress.net

Thay vì áp thêm thuế, Mỹ có thể tăng trừng phạt gián điệp kinh tế, giám sát xuất khẩu công nghệ và lôi kéo đồng minh đối phó Trung Quốc.

Ông Tập (trái) đón Trump tới thăm Bắc Kinh năm 2017. Nguồn: Reuters.
Ông Tập (trái) đón Trump tới thăm Bắc Kinh năm 2017. Nguồn: Reuters.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua xác nhận với Reuters rằng Trung Quốc hồi đầu tuần đã gửi một văn bản phản hồi các yêu cầu cải cách thương mại do Mỹ đưa ra để hai nước có thể bắt đầu đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, quan chức này cho biết sự phản hồi đó của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không giúp tạo ra đột phá trong cuộc trao đổi giữa Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20 vào cuối tháng.

Tài liệu Trung Quốc đưa ra có 142 mục, chia làm ba phần, gồm những vấn đề Trung Quốc sẵn sàng thương lượng để có thêm hành động, những vấn đề họ đang xử lý và những vấn đề mà họ cho là "bất khả xâm phạm".

Theo quan chức giấu tên này, việc Trung Quốc đưa ra câu trả lời bằng văn bản cho những yêu cầu của Mỹ sau nhiều tháng từ chối là một tín hiệu tốt, nhưng đây không phải là dấu hiệu đáng lạc quan, một phần là do Bắc Kinh từng nhiều lần hứa hẹn về cải cách kinh tế và thương mại nhưng không thực hiện. Các quan chức Mỹ vẫn đang nghiên cứu danh sách do Trung Quốc cung cấp, nhưng nhiều khả năng kịch bản tốt nhất nó có thể mang lại cho cuộc gặp Trump – Tập lần tới là việc nhất trí tiếp tục trao đổi và tuyên bố tranh chấp thương mại giữa hai nước đang đi theo chiều hướng tốt hơn.

Giới quan sát cho rằng điều này cho thấy văn bản mà Trung Quốc đưa ra không phải là những nhượng bộ mà Mỹ yêu cầu Bắc Kinh cần có để chấm dứt chiến tranh thương mại. Không có gì đảm bảo rằng đề xuất này của Trung Quốc đủ thỏa mãn để Trump không thực hiện lời đe dọa tăng thuế 25% đối với hơn 250 tỷ USD hàng hóa nước này từ đầu năm 2019.

Trong bài viết đăng trên The Hill, Peter Harrell, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cho rằng việc áp thuế với những mặt hàng còn lại và tăng thuế với những mặt hàng cũ không phải là vũ khí duy nhất mà Trump có thể tung ra để tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

Vũ khí mới thứ nhất mà Trump đang nắm trong tay chính là việc tăng cường truy tố các điệp viên, tin tặc Trung Quốc có hành vi xâm nhập, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ. Từ đầu tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra ít nhất ba hồ sơ truy tố hành vi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của công dân Trung Quốc và dẫn độ một trong những gián điệp từ Bỉ về Mỹ để xét xử.

Điều này cho thấy các cơ quan hành pháp Mỹ đang hướng sự chú ý của mình vào hành vi gián điệp kinh tế của Trung Quốc và trong thời gian tới có thể gia tăng đáng kể hoạt động đó. Hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ được cho là đã giúp Trung Quốc thu được lợi thế đáng kể về công nghệ, nắm trong tay những công nghệ tiên tiến của Mỹ mà không phải bỏ ra quá nhiều chi phí nghiên cứu, phát triển.

Vũ khí thứ hai là tung ra những đòn trừng phạt mới nhắm vào các công ty hưởng lợi từ công nghệ bị ăn cắp từ Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ trong thực tế đã hạn chế các công ty Mỹ làm ăn với một nhà sản xuất con chip của Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp các bí mật thương mại.

Trước đó, Washington cũng đã cấm 44 cá nhân, tổ chức có liên quan tới lĩnh vực quốc phòng Trung Quốc tiếp cận và mua sắp công nghệ của Mỹ. Chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ tăng cường sử dụng vũ khí này để nhắm vào các công ty Trung Quốc khác có hành vi tiếp tay cho ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Vũ khí thứ ba là thi hành điều luật vừa được thông qua để tăng cường hoạt động giám sát đầu tư nước ngoài vào Mỹ và kiểm soát việc xuất khẩu một số công nghệ hiện đại nhất định của Mỹ, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và phương tiện không người lái, tới Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác. Điều luật này sẽ hạn chế khả năng Bắc Kinh thu được những công nghệ tối tân của Mỹ để làm lợi cho họ.

Vũ khí cuối cùng mà chính quyền Trump có thể tung ra là sử dụng chính sách ngoại giao của mình để vận động các đồng minh, đối tác cùng ủng hộ Washington trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer gần đây đã trao đổi với các đại diện châu Âu và Nhật để cùng xây dựng một biện pháp đối phó tập thể với Trung Quốc.

Lighthizer cũng là người đã thêm "điều khoản thuốc độc" vào hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới, trong đó yêu cầu Canada và Mexico phải thông báo cho Mỹ trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại song phương với Trung Quốc. Nếu quốc gia nào vi phạm điều khoản này có thể sẽ bị loại khỏi hiệp định.

Chuyên gia Harrell đánh giá rằng những vũ khí mới này nếu được thực hiện sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với đòn áp thuế, vốn gây áp lực lớn cho chính những người tiêu dùng Mỹ mua hàng hóa Trung Quốc. Những đòn đánh mới này sẽ giáng trực tiếp vào các công ty Trung Quốc và những quan chức dung dưỡng cho hành vi vi phạm các quy tắc thương mại với Mỹ. Chúng cũng phát đi thông điệp rõ ràng rằng chính sách thực sự của Mỹ là buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi bất công, chứ không phải đơn thuần là biện pháp bảo hộ thương mại.

"Cuộc gặp bên lề hội nghị G-20 sắp tới là cơ hội để Trump làm rõ những mục tiêu mà Mỹ muốn Trung Quốc phải đáp ứng để chấm dứt chiến tranh thương mại", Harrell nhận định. "Chỉ sau khi đã làm rõ những yêu cầu đó, Trump mới có thể biến những vũ khí trong tay mình thành hành động cải cách thực sự của Bắc Kinh".