Những xu hướng của bất động sản công nghiệp năm 2024
Bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn duy trì hướng phát triển ổn định, kèm theo đó là một số nhân tố trọng yếu sẽ xuất hiện trong năm 2024.
Theo báo cáo mới nhất từ Knight Frank, thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn duy trì hướng phát triển ổn định, kèm theo đó là một số nhân tố trọng yếu sẽ xuất hiện trong năm 2024, tác động đến cả chủ đầu tư và khách thuê.
Báo cáo của Knight Frank cho thấy, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện đang rất khả quan, tại khu vực ngoại thành Hà Nội là 78% và tại TP. Hồ Chí Minh là 92%. Hệ quả là giá thuê đất khu công nghiệp tại hai thành phố lớn nhất cả nước cũng tăng cao trong giai đoạn 2022-2023, cụ thể là tăng 14% ở ngoại thành Hà Nội và 58% ở ngoại thành TP. Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại hội nghị bất động sản Vietnam PropTech Summit 2023 tổ chức trung tuần tháng 12/2023, ông Alex Crane - Giám đốc điều hành Công ty Knight Frank Việt Nam đã chỉ ra một số xu hướng phân kỳ trong ngành bất động sản công nghiệp.
Ông Alex Crane cho biết, tỷ lệ giá trị vốn hoá tài sản vận hành đang chịu áp lực giảm phát do chi phí tài chính cao, thời hạn sử dụng đất ngắn lại và sự cạnh tranh từ những thị trường khác có giá thuê rẻ hơn đáng kể trong khu vực châu Á. “Tỷ suất vốn hoá tại Việt Nam hiện tăng từ 9% đến 12% do có thêm nguồn cung từ các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn (RBF và RBW) chất lượng cao trên khắp cả nước. Sự điều chỉnh thị trường này khiến chúng ta nhớ lại chu kỳ thế hệ đầu tiên trong phân khúc bất động sản văn phòng khoảng 15 năm trước”, ông Alex Crane chỉ ra.
Theo các nghiên cứu của Knight Frank Việt Nam, thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn đã và đang thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài kể từ năm 2018, và tính đến nay số lượng nhà đầu tư cũng tăng gấp năm lần. Do đó, những thách thức phát sinh từ sự bùng nổ này - nhất là tại khu vực ngoại thành TP. Hồ Chí Minh nơi nguồn cung nhà kho xây sẵn đạt đến 2,1 triệu m2 - đã góp phần tạo ra một thị trường ưu ái khách thuê, với giá thuê trung bình khoảng 4,5 USD/m2/tháng ở miền Nam và 4,7 USD/m2/tháng ở miền Bắc.
“Xu hướng này đã được báo trước và cũng không tạo ra nguy cơ đối với thị trường bất động sản công nghiệp. Lý do là điều này giúp duy trì giá thuê cạnh tranh trong tương lai gần, song song với việc thị trường đạt độ trưởng thành và mở rộng quy mô để cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực”- ông Crane bổ sung.
Dự báo về năm 2024, ông Crane lưu ý rằng mức thuế tối thiểu toàn cầu và phí logistics cao sẽ là trở ngại trong việc thu hút các nhà sản xuất đầu tư vào nước ta. Mặc dù đã ký kết nhiều thoả thuận mậu dịch tự do song phương và đa phương, nhưng chi phí lao động và xây dựng tăng cao cũng phần nào ảnh hưởng đến lợi thế chi phí của Việt Nam.
Có thể thấy rõ điều này qua giá đất, ví dụ như giá thuê đất công nghiệp ở khu vực ngoại thành Bangkok (Thái Lan) hiện ở mức 82-164 USD/m2/thời hạn thuê, thấp hơn hẳn so với ngoại thành Hà Nội (80-250 USD/m2/thời hạn thuê) và ngoại thành TP. Hồ Chí Minh (95-280 USD/m2/thời hạn thuê).
Từ đó, ông Crane cho rằng, bất động sản công nghiệp và chế xuất vẫn là những thị trường trọng điểm ở Việt Nam, tuy nhiên sẽ gặp không ít thách thức trong việc thu hút đầu tư và lấp đầy mặt bằng xây sẵn trong năm 2024.
Ngoài ra, việc nhiều nhà đầu tư và chủ đầu tư hợp nhất với nhau trong ngành bất động sản công nghiệp, logistics dù tạo ra thách thức đối với khách thuê bởi lẽ ít chủ đầu tư hơn có nghĩa là ít cạnh tranh hơn, nhưng cũng là một xu hướng còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.