Những yếu tố nào giúp giá vàng có tuần tăng mạnh nhất trong 1 năm rưỡi?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Nhà đầu tư tìm đến vàng trong bối cảnh bất ổn gia tăng, lượng nắm giữ vàng trong các quỹ ETFs leo lên mức cao nhất tính từ tháng 3/2021.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Giá vàng trong tuần gần nhất tăng mạnh nhất tính từ tháng 7/2020 khi mà cuộc chiến tại Ukraina khiến cho nhu cầu đối với tài sản an toàn tăng cao.

Nhà đầu tư đang đánh giá tác động kinh tế từ việc Nga tấn công Ukraina, cuộc chiến này đang gây gián đoạn nguồn cung năng lượng, ngũ cốc và kim loại. Giá dầu tăng cao, kết quả trực tiếp từ căng thẳng Nga – Ukraina đã tạo ra nhiều lo lắng về tăng trưởng toàn cầu và rủi ro lạm phát.

Nhà đầu tư tìm đến vàng trong bối cảnh bất ổn gia tăng, lượng nắm giữ vàng trong các quỹ ETFs leo lên mức cao nhất tính từ tháng 3/2021, các chuyên gia quản lý quỹ tăng cường lượng nắm giữ lên mức cao nhất trong 19 tháng.

Giá vàng tăng mạnh trong phiên ngày thứ Sáu sau khi báo cáo từ thị trường việc làm Mỹ cho thấy tăng trưởng mức lương chậm lại ngay cả khi hoạt động tuyển dụng phát triển bùng nổ trong tháng trước. Con số này giúp nhà đầu tư phần nào yên tâm khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến chuẩn bị nâng lãi suất.

Giá vàng có tuần tăng mạnh nhất từ năm 2020 khi mà căng thẳng tại Ukraina leo thang.

Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại AvaTrade, ông Naeem Aslam, nhận xét: “Giá vàng hiện đang có vị thế tốt trong hiện tại bởi nhà đầu tư rõ ràng muốn mua thêm vàng trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraina căng thẳng. Số liệu việc làm xác nhận cho xu thế rằng Fed đã “bật đèn xanh” cho việc nâng lãi suất cơ bản đồng USD và nhiều khả năng sẽ giữ giá vàng trong biên độ dao động thấp”.

Ở mức chốt phiên, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.968,5USD/ounce. Việc giá vàng đóng cửa ở ngưỡng này đánh dấu cho việc giá vàng tăng được 4,2% trong tuần này, tuần tăng mạnh nhất tính từ tháng 7/2020.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu bất chấp dữ liệu về thị trường việc làm tốt hơn kỳ vọng của các chuyên gia, diễn biến bi quan của tình hình căng thẳng Nga – Ukraina không khỏi gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư.

Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 179,86 điểm tương đương 0,53% và đóng cửa tại mốc 33.614,8 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,79% xuống 4.328,87 điểm còn chỉ số Nasdaq giảm 1,66% xuống 13.313,44 điểm.

Trong phiên, đã có lúc chỉ số giảm hơn 500 điểm và như vậy có tuần mất điểm thứ 4 liên tiếp. Trong tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 hạ 1,3% còn Nasdaq mất đến 2,8% giá trị.

Việc thị trường chứng khoán giảm điểm diễn ra sau những báo cáo cho thấy nhà máy điện hạt nhân tại Ukraina, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu, đã có những vụ nổ đầu tiên tính từ khi quân đội Nga tấn công vào Ukraina. Các báo cáo vào sáng ngày thứ Sáu cho thấy các lực lượng Nga đã chiếm đóng nhà máy tại Zaporizhzhia. Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv gọi cuộc tấn công này là tội ác.