Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tiếp tục tăng
Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi khi Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) đạt 46,3 trong quý IV/2023.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng cho tăng trưởng
Theo Báo cáo BCI vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, trong quý IV/2023, chỉ số BCI đạt 46,3, tăng nhẹ so với mức 45,1 của quý III và 43,5 của quý II/2023. Rõ ràng, mức tăng này báo hiệu sự ổn định, song vẫn ở mức dưới trung bình kể từ quý IV/2022.
Quý cuối cùng của năm 2023 cũng chứng kiến mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tăng lên rõ rệt. Theo đó, các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại của mình đã tăng từ 24% trong quý III lên 32% trong quý IV.
Nhìn nhận về triển vọng quý I/2024, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng đánh giá rất tích cực, với 29% doanh nghiệp cho rằng triển vọng là “xuất sắc” hoặc “tốt”. Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%.
“Khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng”, EuroCham cho biết. Minh chứng là, 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024; 34% có ý định tăng mức đầu tư. “Những số liệu thống kê này báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024”.
Điểm đáng chú ý nữa là trong quý IV/2023, vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể. 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Điều này được chứng minh bằng con số 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý IV.2023.
Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đây là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Việt Nam.
Nhận xét về Báo cáo BCI, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit phát biểu: “Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn”.
“Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng chúng ta đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất", ông Gabor Fluit chia sẻ.
Còn theo Giám đốc Decision Lab Thue Quist Thomasen, quỹ đạo kinh tế dài hạn của Việt Nam cho thấy con đường tăng trưởng đầy hứa hẹn.
“Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam đang thể hiện khả năng mang tính thương hiệu của mình trong việc mang lại môi trường kinh doanh ổn định ngay cả vào thời điểm hỗn loạn, như chúng ta có thể thấy kết quả đo lường nằm trong khoảng từ 40 đến 50 điểm quý thứ 5 liên tiếp. Sự ổn định và tiềm năng cải thiện vào năm 2024 sẽ là cơ sở cho việc Việt Nam tiếp tục nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Thue Quist Thomasen tin tưởng.
Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính
Dù có những tín hiệu tích cực cho năm 2024, song các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn lo ngại những thách thức từ pháp lý.
Theo đó, 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu. 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.
Bên cạnh đó, 22% số người được hỏi cho rằng mối quan tâm của họ là bảo đảm giấy phép và các phê duyệt cần thiết, chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh. 20% cho rằng “thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành” là một vấn đề quan trọng, cho thấy khoảng cách về nguồn nhân lực cần được cân nhắc và giải quyết.
Ngoài ra, có 19% công ty nhận thấy “các quy định về thị thực, giấy phép lao động và quy định lao động đối với người nước ngoài” là thách thức, phản ánh sự phức tạp của việc quản lý lực lượng lao động quốc tế theo hệ thống pháp luật hiện hành.
Trong bối cảnh đó, để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp thành viên EuroCham cho rằng, việc giảm bớt các quy trình quan liêu có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh. Ngoài ra, 45% nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý, trong khi 30% coi phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, cảng và cầu là điều cần thiết để thu hút FDI.
Chủ tịch EuroCham khuyến cáo, trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam “vẫn nên cảnh giác”.
“Điều quan trọng là đất nước phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng”, ông nói.