Nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh
Hết quý 3-2018, lợi nhuận ngành ngân hàng ghi nhận kết quả tích cực. Tuy nhiên, đi cùng với lợi nhuận lớn là nợ xấu tăng cao. Nhiều người đang đặt câu hỏi liệu bóng đen nợ xấu có quay trở lại đe doạ tới sự ổn định của nền kinh tế?
Ngân hàng càng lớn, nợ xấu càng cao
Trong báo cáo tài chính quý 3-2018 của hệ thống ngân hàng, bên cạnh hình ảnh lung linh của con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm cũng lộ ra con số nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Trong đó, những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và một số ngân hàng thương mại ở nhóm đầu có nợ xấu tăng cao hơn cả. VietinBank dẫn đầu tốc độ tăng trưởng nợ xấu trong nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Chín tháng đầu năm, nợ xấu tăng 34,5% lên mức 12.127 tỉ đồng; nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong 9 tháng qua (tăng 68% lên 8.739 tỉ đồng).
Tiếp theo là BIDV, với tốc độ tăng trưởng nợ xấu 9 tháng tăng 21,1% so với cuối năm 2017, lên mức 17.000 tỉ đồng.
Quán quân trong tăng trưởng nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại là VPBank với tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3 tăng lên 4,7%. Chín tháng đầu năm, số dư nợ xấu của VPBank đã tăng 52% so với hồi đầu năm, ở mức gần 9.400 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 61%, nợ nhóm 4 tăng 31% và nợ nhóm 5 tăng 62%.
Tương tự VPBank, Techcombank, MBBank cũng đều có mức tăng trưởng nợ xấu cao. Với Techcombank, 9 tháng đầu năm nợ xấu tăng 33%, trong đó nợ nghi ngờ tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng 31%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng mạnh từ 1,61% hồi đầu năm lên mức 2,05%. MBBank ghi nhận nợ xấu 9 tháng tăng đến 45% so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, nợ nhóm 5 đang chiếm hơn một nửa nợ xấu tại hầu hết ngân hàng, trong đó có những nhà băng tỷ lệ này trên dưới 80% số dư nợ xấu, như Sacombank (93%), VIB (88%), Vietinbank (72%). Nợ nhóm này cũng có mức tăng trưởng mạnh trong 9 tháng, trung bình khoảng 30%, trong đó nhiều ngân hàng tăng mạnh, đứng đầu là Vietcombank (140%), Vietinbank (67,5%), VPBank, ACB (62%).
Nợ cũ chưa qua nợ mới đã tới
Nguyên nhân nợ xấu của nhiều ngân hàng gia tăng thời gian qua có thể xuất phát từ việc “trở lại” của các khoản nợ xấu trước đó được gửi vào VAMC cho đến nay chưa bán được. Tròn 5 năm, với những khoản không xử lý được, trái phiếu VAMC lần lượt đáo hạn và ngân hàng buộc phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán khiến con số nợ xấu tăng cao.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng còn cho rằng, nợ xấu tăng liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng, vì nợ xấu có 2 cấu phần, nợ xấu cũ và nợ xấu mới.
Trên thực tế, nợ xấu cũ chưa được giải quyết triệt để, mặc dù theo con số thống kê có vẻ tích cực nhưng bản chất nợ xấu vẫn tồn đọng nhiều. Bên cạnh đó, nợ xấu mới lại phát sinh do các ngân hàng mạnh tay cho vay. Điều này thể hiện qua việc mới trong 2 quý đầu năm, nhiều ngân hàng đã dùng hết room (hạn mức) tín dụng được giao.
“Việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng”, ông Hiếu nói.
Mặt khác, ông Hiếu cũng phân tích, nợ xấu tăng còn do thực trạng các ngân hàng cho vay thường chỉ dựa vào tài sản đảm bảo mà không chú trọng đến khả năng tài chính và dòng tiền của khách hàng.
“Các nhà băng mạnh tay cho vay theo tỷ lệ 70 - 80% giá trị bất động sản và không quan tâm đến dòng tiền giải ngân có đi đúng mục đích không. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì sau này ngân hàng không quản lý được dòng tiền kinh doanh, dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, nợ xấu gia tăng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Có thể thấy, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang tiếp tục gia tăng, cộng thêm khối nợ xấu lớn vẫn nằm im tại VAMC đang là gánh nặng của không ít ngân hàng.
Đáng chú ý, hàng loạt món nợ xấu mà chủ yếu là bất động sản có giá trị “khủng” từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng được VAMC lẫn các ngân hàng ra sức rao bán nhưng rất hiếm thương vụ giao dịch thành công.
Đơn cử như dự án cao ốc Sài Gòn One Tower tại TP. Hồ Chí Minh được rao bán với giá khoảng 7.000 tỉ đồng nhưng hơn một năm qua vẫn chưa ai mua. Hay với khoản nợ 2.400 tỉ đồng của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân, trong đó có bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo đã phải thông báo tổ chức bán đấu giá lần thứ tư sau 3 lần thất bại.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết nợ xấu hiện nay vẫn còn ở mức khá cao trong khi thị trường mua bán nợ lại chưa phát triển. Đáng lo là nợ xấu để lâu sẽ càng tăng thêm nguy cơ và rủi ro cho nền kinh tế, đe dọa an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Có đáng lo ngại?
Theo các chuyên gia tài chính, việc nợ xấu ngân hàng gia tăng thời gian qua chưa phải dấu hiệu quá đáng ngại. Vì về bản chất, tình hình tài chính của hầu hết ngân hàng Việt vẫn lành mạnh, trừ một số trường hợp đang phải tái cơ cấu và xử lý nợ xấu theo đề án. Các khoản nợ xấu phát sinh cũng đều có lượng trích lập dự phòng trù bị theo đánh giá của từng ngân hàng.
Tuy nhiên, mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng 12-18 tháng tới của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "tích cực" xuống "ổn định". Theo cơ quan này chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện trong thời gian tới nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong vài năm gần đây có thể dẫn tới sự suy giảm chất lượng tài sản khi các khoản nợ mới tới hạn. Và nợ xấu vẫn luôn là nguy cơ rình rập và là bài toán cần giải của các ngân hàng.