Nợ công, bội chi: Gốc vấn đề là tăng trưởng GDP
Một vấn đề lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm nay là việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đến nay mới đạt 33,7% kế hoạch năm. Nếu GDP không đạt kế hoạch, cả về số tuyệt đối và số tương đối, thì sẽ rất khó đảm bảo cho bội chi và nợ công đúng dự toán. Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 11/7 liên quan đến tình hình tăng trưởng và ngân sách.
Điều hành ngân sách: Sốt ruột, nhưng phải bình tĩnh
Bộ trưởng lý giải, thời gian qua, chúng ta tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ đầu tư và tài nguyên. Tuy nhiên, hai tài nguyên khai thác sản lượng lớn của chúng ta là dầu thô và than đá đều giảm giá mạnh thời gian qua. Về đầu tư, giải ngân đầu tư thời gian qua đạt thấp, mới hơn 30% kế hoạch như đã nêu. Do đó, nếu giải ngân không đạt kế hoạch trong 6 tháng cuối năm thì tăng trưởng GDP sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, các tỷ lệ về nợ công, bội chi đều dựa trên tăng trưởng GDP theo kế hoạch là 6,7%, nếu không đạt mục tiêu này, các tỷ lệ về nợ công, bội chi sẽ vượt dự toán đề ra, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách.
“Với tình hình hiện nay, tăng trưởng kinh tế đạt 6% là tốt, 6,3 – 6,5% là rất tốt, còn để đạt 6,7% thì rất khó”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.
Bên cạnh đó, phản hồi về một ý kiến trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ tăng cao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết 6 tháng năm nay, nợ công tăng 135.200 tỷ đồng (33,7%), ở mức thấp trong phạm vi bội chi Quốc hội cho phép là 254.000 tỷ đồng.
Trong số nợ công đó, nợ Chính phủ tăng 130.000 tỷ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh tăng 6.000 tỷ đồng, nợ chính quyền địa phương giảm 1.600 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính ước tính, nếu GDP đạt 4,7 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ là 58,4%, và ngược lại, nếu GDP thấp hơn mức này, tỷ lệ nợ công/GDP có thể đội lên đến 65%. Theo Bộ trưởng, gốc của vấn đề ở đây chính là GDP nên dù rất “sốt ruột nhưng cũng phải bình tĩnh”. Bộ trưởng cũng nhất trí cao với điều hành của Chính phủ để tiếp tục nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP.
Huy động vốn kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn
Một điểm tích cực của điều hành ngân sách 6 tháng đầu năm cũng được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ hơn là về kết quả huy động TPCP. Vừa qua, phối hợp tích cực với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành cung tiền, kiểm soát lạm phát, đã huy động được 187.700 tỷ đồng vốn TPCP. Trong đó, chi cho xây dựng cơ bản là 82.000 tỷ đồng, giải ngân vốn năm 2015 là 23.000 tỷ đồng, chi trả nợ gốc là 66.600 tỷ đồng. Do đó vốn dư không còn nhiều như băn khoăn của Uỷ ban Tài chính ngân sách về việc “huy động nhiều, liệu có tiêu hết không”.
Trong 6 tháng đầu năm, việc phát hành TPCP tại thị trường trong nước thuận lợi nên Chính phủ chưa phải phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế như Quốc hội đã cho phép. Với thị trường trong nước, lãi suất phát hành khoảng 6%, trong khi lãi suất phát hành trên thị trường quốc tế cho kỳ hạn 10 năm là 5%, nếu tính cả trượt giá đồng USD thì sẽ lên đến 9%, cao hơn lãi suất thị trường trong nước. Hơn nữa, kỳ hạn huy động TPCP đang tăng dần, hiện đã lên gần 6 năm. Theo Bộ trưởng, đây là những yếu tố tích cực khi kỳ hạn huy động tăng dần, lãi suất giảm dần, theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nợ công và TPCP, phù hợp với yêu cầu chi tiêu của ngân sách.
Thời gian tới, tiếp tục mục tiêu cơ cấu vốn TPCP, Bộ Tài chính sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để trái phiếu hoá toàn bộ các khoản ngân sách vay BHXH. Theo tính toán, đến năm 2023 thì mới phải bù nguồn cho BHXH, do đó thời hạn trái phiếu còn dài. Sau khi cơ cấu lại, tỷ lệ vốn TPCP trong nước từ ngân hàng sẽ chỉ còn trên 50%, thay vì mức 75 – 80% như hiện nay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng năm nay tăng trưởng chủ yếu trông chờ vào đầu tư của Nhà nước rất lớn. Trong khi thu ngân sách năm nay có thể vượt dự toán nhưng chủ yếu là ở các địa phương, còn với ngân sách trung ương sẽ rất gay go do giá dầu giảm mạnh.
Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong huy động vốn. “Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nhưng phải biểu dương Bộ Tài chính, huy động vừa qua đạt tốt cả về cơ cấu trong nước, ngoài nước và kỳ hạn đạt cao, theo đúng yêu cầu của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chưa thể bố trí ngay 7.000 tỷ đồng cho chính sách nhà ở cho người có công
Báo cáo thêm về việc thực hiện tiếp tục chính sách nhà ở cho người có công, một vấn đề đã được nhiều thành viên UBTVQH đề cập, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đến nay đã thực hiện trên 80.000 hộ, với số tiền khoảng 2.517 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số các địa phương báo cáo đến nay là 254.000 hộ, gấp hơn 3 lần so với con số dự toán lúc đầu. Do đó, mức tiền cần thiết chi cho chính sách này rất lớn, phải trên 7.000 tỷ đồng, không thể tính ngay một lúc. Tạm thời ngân sách chưa thể bố trí được trong bối cảnh còn quá nhiều nhu cầu chi tiêu phải lo.
Chia sẻ với những khó khăn của tình hình kinh tế khó khăn những tháng đầu năm, khiến cho ngân sách rất khó “co kéo”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt đánh giá Chính phủ đã rất nỗ lực, xử lý tình hình bài bản, có trách nhiệm. “Lúc ‘xúng xính’ thì dễ trình, dễ chia, khen thì nhiều, chê thì ít. Nhưng ngược lại, lúc thiếu thốn thì khó trình, khó chia, khen ít chê nhiều, nhất là với lĩnh vực tài chính”, ông Võ Trọng Việt nhận xét.