Nợ công của nhóm nước giàu nhất thế giới sẽ chạm mốc 137% GDP vì Covid-19
OECD cảnh báo, nguồn thu thuế giảm sút do kinh tế đình trệ giữa đại dịch Covid-19 có thể đẩy tỷ lệ nợ công trên GDP của các quốc gia giàu nhất thế giới lên mức 137% trong năm 2020, theo FT.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã đưa ra cảnh báo về nợ công của các nước phát triển trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế mỗi quốc gia. Nguồn thu từ thuế giảm mạnh, chi cho công tác y tế và ngăn chặn dịch bệnh khiến các nước này có thể gánh thêm 17.000 tỷ USD nợ công, đẩy tỷ lệ nợ trung bình của chính phủ tăng từ 109% GDP lên hơn 137%.
Khoản nợ bổ sung theo tỷ lệ gia tăng này tương đương với mức nợ trên đầu người là khoảng 13.000 USD/ người với số dân 1,3 tỷ ở các quốc gia thành viên OECD. Thậm chí, mức nợ còn có thể tăng cao hơn nữa nếu khả năng phục hồi của nền kinh tế từ đại dịch chậm hơn so với dự đoán của các chuyên gia.
Randall Kroszner, cựu chủ tịch Fed, đến từ trường Kinh doanh Chicago Booth cho biết, tình hình hiện tại làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững của mức nợ công và tư nhân cao. “Chúng ta sẽ phải đối mặt với một thực tế khó khăn khi mà sự hồi phục hình chữ V không diễn ra”.
Mặc dù nhiều chính phủ đã đưa ra các biện pháp tài khóa bổ sung trong năm nay, từ 1% GDP ở Pháp và Tây Ban Nha đến 6% ở Mỹ, nhưng có thể mọi việc sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát bởi nguồn thu thuế giảm quá nhanh, còn kinh tế sẽ thiếu cửa sáng trong thời gian ngắn sắp tới.
Một thập kỷ trước, theo tư duy kinh tế hiện đại, với mức hơn 90% GDP, mức nợ của chính phủ trở nên không bền vững. Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế hiện nay không tin có một giới hạn rõ ràng như vậy, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng việc cho phép nợ công tăng cao hơn sẽ là nguy cơ dẫn đến chi tiêu khu vực tư nhân suy yếu, tạo lực cản trong tăng trưởng.
"Nợ tăng sẽ trở thành một vấn đề trong tương lai", Angel Gurría, Tổng thư ký OECD cảnh báo.
Ngập đầu như Nhật Bản
Sẽ có thêm nhiều quốc gia phải đối mặt với một môi trường kinh tế tương tự như những gì Nhật Bản đã trải qua kể từ khi bong bóng tài chính vỡ vào đầu những năm 1990. Nợ công và thâm hụt ngân sách của chính phủ là trở thành nỗi lo thường trực của nền kinh tế chính trị Nhật Bản khi tỷ lệ nợ thường xuyên ổn định ở mức 240% GDP dưới thời thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe.
Các gói chi tiêu mới để giải quyết đại dịch ở Nhật Bản rất có thể sẽ đẩy nợ công tại đất nước mặt trời mọc chạm những mốc cao mới trong tương lai.
Về phía các quốc gia châu Âu, thói quen mua nợ chính phủ từ ngân hàng Trung ương có thể giải quyết bài toán trước mắt là không đẩy gánh nặng nợ công về phía khu vực tư nhân, nhưng đó cũng không thể xem là giải pháp lâu dài. Một lựa chọn khác là tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công, nhưng ít quốc gia muốn đi theo con đường đó sau gần một thập kỷ đã phải thắt lưng buộc bụng. Và các nhà kinh tế cảnh báo những hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng có thể dễ dàng vượt xa các lợi ích.
Một lần nữa, các quốc gia thuộc OECD nên nhìn vào những bài học từ Nhật Bản. Mặc dù ông Abe nổi tiếng về những biện pháp kích thích kinh tế, nhưng trong nhiệm kỳ của ông, Nhật Bản vẫn buộc phải trải qua 2 lần tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào năm 2014 và sau đó lên 10% vào tháng 10 năm ngoái trong nỗ lực cứu ngân sách chính phủ. Trong cả hai trường hợp, việc tăng thuế đã đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
“Điều quan trọng là phải kiểm soát nền kinh tế để đà tăng trưởng diễn ra nhanh hơn tốc độ tăng nợ”, Adam Posen, trưởng Viện kinh tế quốc tế Peterson, bày tỏ quan điểm trước các nghị sĩ Anh về việc phải tránh thực hiện các hành động.