Nợ công dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP
(Taichinh) - Thông tin này vừa được công bố tại Tọa đàm Đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện, do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức tại Quảng Ninh trong 2 ngày (28-29/5/2015). Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì tọa đàm.
Như vậy, mức nợ công đến năm 2015 vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP. Cụ thể, nợ công cuối năm 2014 ở mức 2.347 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP.
Phân bổ, sử dụng vốn vay hiệu quả
Ông Võ Hữu Hiển – Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, việc sử dụng vốn vay Chính phủ để cấp phát vốn đầu tư cho chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội… thuộc nhiệm vụ chi của NSNN, phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn từ 2011-2015, tổng vốn vay của Chính phủ cho các mục tiêu nói trên đạt 1.247 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 6,9 lần so với giai đoạn 2001-2005 và tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trung bình đạt 7% GDP, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Hiển, tổng số vốn vay nước ngoài về cho vay lại đã được giải ngân lũy kế đến cuối năm 2014 đạt 335 nghìn tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2010-2014 là 198,5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng số vốn cho vay lại), góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ trực tiếp từ NSNN.
Sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 2010-2014, tổng số vốn vay trong và ngoài nước được Chính phủ bảo lãnh đã giải ngân đạt khoảng 462 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% tổng số vốn vay nợ công, trong đó bảo lãnh vốn vay trong nước chiếm khoảng 54% và bảo lãnh vay nước ngoài chiếm khoảng 46%.
Đáng chú ý, sử dụng vốn vay chính quyền địa phương để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội tại địa phương, qua đó góp phần xử lý kịp thời vốn đầu tư cho các dự án, công trình đã có trong kế hoạch được duyệt, đảm bảo đúng quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm.
Bảo đảm nghĩa vụ trả nợ theo cam kết
Một thông tin đáng quan tâm được đưa ra tại buổi tọa đàm là việc tổ chức thực hiện trả nợ đảm bảo đúng nghĩa vụ nợ đến hạ hàng năm, đặc biệt là đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn NSNN để trả nợ cho các nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ đúng hạn, đảm bảo trong giới hạn cho phép, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia.
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN hàng năm luôn đảm bảo nằm trong giới hạn quy định, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của chính phủ từ nguồn NSNN khoảng 14-16% so với tổng thu NSNN hàng năm và nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.
Cơ cấu chi trả nợ của Chính phủ từ nguồn NSNN và Quỹ tích lũy trả nợ giai đoạn 2010 -2014 cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực, chi từ NSNN giảm (từ 92% năm 2010 xuống 84% năm 2014) và phần bố trí chi từ Quỹ tích lũy trả nợ tăng dần (từ 8% năm 2010 lên 16% tổng chi trả nợ của Chính phủ năm 2014) nhằm giảm áp lực bố trí chi trả nợ từ NSNN.
Phát triển thị trường trái phiếu từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế
Phương thức phát hành trái phiếu đã được thay đổi để phù hợp với thực trạng phát triển, minh bạch hóa hoạt động của thị trường và từng bước tiếp cận các chuẩn mực của thị trường quốc tế.
Quy mô của thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng từ mức 2,82% GDP năm 2001 lên mức 19% GDP năm 2011 và khoảng 21,2% GDP năm 2014.
Thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã huy động được một khối lượng vốn lớn nhàn rỗi trong nền kinh tế đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển. Dự kiến, năm 2015, sẽ phát hành250 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ; trong đó, tập trung phát hànhtrái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm là 180 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 50 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn 15 năm là 20 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 69.515,9 tỷ đồng,bằng khoảng 28% kế hoạch. Trong đó, kỳ hạn 5 năm là 42.158,5 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm là 11.170 tỷ đồng và 15 năm là 16.187,4 tỷ đồng.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, quá trình huy động trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã góp phần tăng cung hàng hóa, thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam, là công cụ hữu ích để các tổ chức, DN huy động vốn trên thị trường để đầu tư vào các dự án xã hội, chương trình tín dụng, chính sách và các lĩnh vực, ưu tiên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
“Việc phát hành trái phiếu Chính phủ tạo công cụ điều hành chính sách tiền tệ, trở thành hàng hóa chính trên hoạt động của thị trường mở, tham gia vào các phiên đấu thầu, mua bán giấy tờ có giá trên thị trường mở, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thêm bơm, hút tiền trong lưu thông, góp phần thực hiện mục tiêu điều hành của chính sách tiền tệ”, ông Long nhấn mạnh./.
Luật Quản lý nợ công đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2010 và đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong hệ thống pháp luật của nước ta, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh té xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Luật Quản lý nợ công gồm 7 chương, 49 Điều với phạm vi điều chính khá rộng, đối tượng áp dụng đa dạng, nội dung phức tạp, nhất là các chế định được vận dụng trên cơ sở các quy định của luật pháp Việt Nam thông lệ quốc tế…