Nợ của Mỹ siêu lớn, chỉ riêng chi phí lãi vay hiện đã lên tới 3 tỷ USD/ngày
Theo kinh tế trưởng Torsten Sløk của Apollo, với khoản nợ của Mỹ hiện ở mức 35,3 nghìn tỷ USD, chi phí lãi phải trả cho tất cả các khoản vay đó gần đây đã tăng vọt và hiện trung bình lên tới 3 tỷ USD mỗi ngày.
Chi phí lãi vay hàng ngày đã tăng gấp đôi kể từ năm 2020 và tăng từ 2 nghìn tỷ USD khoảng 2 năm trước. Đó là thời điểm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát.
Quá trình đó khiến việc trả nợ của Mỹ trở nên tốn kém hơn vì trái phiếu kho bạc mang lại lợi suất cao hơn. Nhưng với việc Fed hiện đã sẵn sàng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này, điều ngược lại có thể xảy ra.
Sløk ước tính: “Nếu Fed cắt giảm lãi suất 1 điểm % và toàn bộ đường cong lợi suất giảm 1 điểm %, thì chi phí lãi vay hàng ngày sẽ giảm từ 3 tỷ USD mỗi ngày xuống còn 2,5 tỷ USD mỗi ngày”.
Trong khi đó, chính phủ liên bang sẽ kết thúc năm tài chính vào cuối tháng này và chi phí trả lãi tính từ đầu năm cho các khoản nợ của Mỹ đã ở mức 1 nghìn tỷ USD từ nhiều tháng trước.
Nhưng ngay cả khi việc cắt giảm lãi suất của Fed làm giảm bớt gánh nặng trả lãi thì thâm hụt ngân sách vẫn là một gánh nặng, làm tăng thêm tổng nợ và làm mờ đi một số lợi ích của việc giảm lãi suất.
Trên thực tế, một phân tích gần đây từ Mô hình ngân sách Penn Wharton cho thấy, thâm hụt sẽ tăng lên bất kể vị Tổng thống nhiệm kỳ mới là ai, mặc dù sẽ có sự khác biệt lớn.
Theo các đề xuất về thuế và chi tiêu của ông Donald Trump, thâm hụt cơ bản sẽ tăng thêm 5,8 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới trên cơ sở thông thường và 4,1 nghìn tỷ USD trên cơ sở linh hoạt, bao gồm các tác động kinh tế của chính sách tài khóa.
Còn nếu dưới thời chính quyền Harris, thâm hụt cơ bản có sẽ tăng thêm 1,2 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới trên cơ sở thông thường và 2 nghìn tỷ USD trên cơ sở linh hoạt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng triển vọng này là không bền vững, bất kể ai thắng cử tổng thống, đồng thời thừa nhận khả năng thâm hụt lớn hơn nếu ông Trump làm Tổng thống.
Ngân hàng này cho biết: “Bất kể kết quả bầu cử thế nào, xu hướng kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra là chính sách tài khóa phung phí đang hấp thụ một lượng vốn đáng kể và khuyến khích thêm nhiều đầu tư tư nhân”.
“Đồng thời, việc nghỉ hưu hàng loạt của thế hệ sinh từ năm 1946-1964 đang chuyển một bộ phận đáng kể dân số đang từ thời kỳ tiết kiệm cao trong cuộc đời sang thời kỳ tiết kiệm thấp, làm giảm nguồn cung vốn.”